Quan tâm đầu tư phát triển du lịch ở La Bằng
- Thứ ba - 16/07/2019 22:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo, La Bằng có điều kiện khí hậu mát mẻ cùng cảnh quan hấp dẫn. Tuyến đường bê tông từ UBND xã quanh co, uốn lượn qua những nương chè hình bát úp, thoai thoải xanh mướt bốn mùa rồi dẫn tận tới chân núi. Tại đây, khu vực rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Tam Đảo sở hữu khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với suối Kẹm trong xanh và những thân cây gỗ lớn. Do bắt nguồn từ trên núi cao, con suối này mát lạnh và trong vắt, chảy len lỏi qua những ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù. Có những tảng đá lớn, nhẵn, trắng bóng để du khách có thể nghỉ ngơi. Hai bên bờ suối là những thảm cỏ xen lẫn bãi đá và hoa dại đủ màu sắc. Du khách có thể ngâm mình dưới dòng nước mát, bám vào những tảng đá hoặc cành cây rủ xuống suối để người tự trôi theo dòng nước. Những người ưa khám phá thì không chỉ dừng lại ở việc tắm mát và chụp ảnh mà còn muốn ngược mãi lên để khám phá nơi ngọn nguồn con suối trên đỉnh non xanh Tam Đảo.
Với điều kiện tự nhiên như vậy, khu vực suối Kẹm - La Bằng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Thực hiện Đề án “Cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Du lịch sinh thái Suối Kẹm (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) đã được thành lập đầu năm 2017. Dọc con suối, đơn vị quản lý dựng sẵn một số lán phục vụ du khách để đồ cá nhân và nghỉ tạm, cùng các dịch vụ đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng tránh cháy rừng. Vào những ngày nắng nóng, cuối tuần hoặc nghỉ lễ, du khách tìm đến đây khá đông. Ông Nguyễn Văn Sang, ở tổ 21, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên cho biết: Mỗi người qua trạm kiểm soát phải nộp mức vé là 20 nghìn đồng/lượt, thêm phí gửi xe, còn nếu thuê lán trại để nghỉ là 300 nghìn đồng/ngày. Mức thu này là phù hợp. Tuy nhiên các dịch vụ ở đây cơ bản chưa có gì nên chúng tôi chỉ tới tắm, mang sẵn đồ theo để ăn uống rồi về ngay. Nếu đơn vị quản lý đầu tư thêm một số dịch vụ tiện ích thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hơn.
Thực tế, việc mở dịch vụ du lịch sinh thái ở khu vực suối Kẹm - La Bằng đang phát sinh một số bất cập. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng khẳng định: Thành lập đơn vị quản lý là phù hợp và đảm bảo an toàn hơn nhiều so với du lịch tự phát trước đây. Trong phạm vi trách nhiệm của địa phương, chúng tôi chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, nhất là những ngày cao điểm. Tuy vậy, vì mới ở dạng manh nha nên việc quản lý khách du lịch chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng xả rác ra dòng suối ảnh hưởng tới môi trường, đốt lửa để nướng đồ ăn trong khu vực rừng đặc dụng và nguy cơ mất an toàn cho du khách khi tắm suối. Ngoài ra, địa phương hiện chưa được hưởng lợi gì từ nguồn thu vé của du khách nên không có kinh phí để duy trì các hoạt động.
Thừa nhận còn tình trạng xả rác ra suối, một số du khách cố tình đốt lửa để nướng đồ ăn trong khu vực rừng đặc dụng, ông Phạm Xuân Trường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo cho rằng: Lực lượng mỏng là một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này. Hiện chốt bảo vệ rừng suối Kẹm - La Bằng có 5 người, nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng đặc dụng Tam Đảo với quy mô diện tích gần 1.000ha. Thêm nữa, cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp thì không có kinh nghiệm và không thể quản lý, phát triển tốt du lịch được. Ông Trường cho rằng: Cơ chế về việc cho thuê môi trường rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, Vườn quốc gia Tam Đảo rất mong sớm có đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch ở suối Kẹm - La Bằng một cách chuyên nghiệp, vừa tạo nguồn thu cho địa phương, vừa góp phần quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.
Rõ ràng, dù có tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác du lịch ở La Bằng vẫn đang ở dạng tự phát, manh mún. Nơi đây rất cần có sự quy hoạch và đầu tư đồng bộ, nhất là các dịch vụ tiện ích để phục vụ du khách. Trước hết là xây dựng tour du lịch gắn Khu du lịch sinh thái suối Kẹm với Vườn quốc gia Tam Đảo, các làng nghề truyền thống sản xuất chè và di tích lịch sử nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Tác giả: Nhị Hà