CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Nét đẹp nhân văn của du lịch tình nguyện

Nét đẹp nhân văn của du lịch tình nguyện
Mô hình vừa đi du lịch, khám phá, vừa tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng đang có xu hướng nở rộ tại nước ta vài năm gần đây. Qua sự tương tác giữa du khách và người dân địa phương, du lịch tình nguyện đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng dịch vụ du lịch cùng nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

 

Du lịch tình nguyện xuất phát từ các dự án xã hội của nhiều tổ chức phi lợi nhuận, trong đó, tình nguyện viên sẽ đóng góp vật chất và công sức để bảo tồn thiên nhiên hoặc cải thiện đời sống người dân ở một số địa điểm đặc thù, thường là miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... Người tham gia phải tự trả mọi chi phí đi lại, ăn ở,... Bù lại, họ có cơ hội kết hợp với việc tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán các vùng miền. Nhìn chung, hình thức du lịch này gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện rất đa dạng về lứa tuổi và nghề nghiệp, nhưng đông đảo nhất vẫn là thanh niên, sinh viên. 

Trước những tiềm năng và nhu cầu ngày càng lớn của loại hình này, ngành du lịch đã giới thiệu và tổ chức nhiều tua kết hợp với các hoạt động tình nguyện nhân văn, diễn ra từ 1-2 ngày cho đến cả tháng; với điểm đến thường là những nơi còn hoang sơ, khó khăn nhưng có nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa bản địa. Bên cạnh sản phẩm du lịch của các hãng lữ hành, nhiều quỹ văn hóa, ngoại giao hoặc hội hữu nghị quốc tế tại Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức du lịch tình nguyện. Có quy mô nhỏ hơn và mang tính tự phát là các chuyến đi do một số diễn đàn du lịch, nhóm “phượt” trẻ kêu gọi. Hoạt động tình nguyện được tổ chức phong phú và linh hoạt từ dọn vệ sinh, làm nông, xây nhà, sửa phòng học… cho đến chăm sóc sức khỏe, dạy ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống… Ở Sa Pa (Lào Cai), các tua du lịch tình nguyện phổ biến là ở lại nhà dân và dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc thiểu số, hoặc tặng chăn và quần áo ấm mùa đông. Liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã, có các tua cứu hộ rùa ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm; thu gom rác ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trồng cây xanh tại Đà Lạt (Lâm Đồng)… Ở Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm đến nay, dự án Bamboo và Những trái tim Huế đã tổ chức thành công hàng chục tua, thu hút hàng trăm du khách trẻ nước ngoài đến Việt Nam giúp xây dựng vườn rau tại các trường mầm non, sơn sửa phòng học, thư viện, vẽ tranh tường; bên cạnh đó là đi thăm các làng nghề truyền thống, chụp ảnh, viết blog quảng bá cho du lịch địa phương. Như vậy, những vị khách đồng thời là tình nguyện viên có được trải nghiệm và hiểu biết, còn cộng đồng dân cư được hưởng lợi về mặt an sinh xã hội và tăng thêm thu nhập từ du lịch.

Tuy nhiên, du lịch tình nguyện cũng đòi hỏi một số điều kiện mà không phải bất cứ ai, bất kỳ lúc nào cũng có thể tham gia. Nhiều chương trình giới hạn số lượng thành viên để tập trung vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mặt khác, các tình nguyện viên còn phải được sát hạch và tập huấn thêm để bảo đảm có sức khỏe tốt, kỹ năng vận động, giao tiếp, lòng nhiệt tình, ý thức tôn trọng văn hóa... Theo ý kiến của một công ty du lịch khá uy tín trong lĩnh vực này, các tua ban đầu hầu như chỉ có người nước ngoài tham gia, sau đó mới trở nên quen thuộc và ghi nhận số lượng người Việt Nam đăng ký ngày càng nhiều. Thế nhưng do không tìm hiểu kỹ, có những người đã phàn nàn, khiếu nại người tổ chức, thậm chí bỏ giữa chừng vì cho rằng điều kiện ăn ở thiếu tiện nghi. Ngược lại, hiện tượng lợi dụng danh nghĩa đi tình nguyện để thu tiền thành viên một cách không minh bạch, cũng đã xuất hiện ở một số hội, nhóm du lịch "bụi" của giới trẻ.

Đến với du lịch tình nguyện, ngoài thưởng ngoạn phong cảnh tươi đẹp, trải nghiệm văn hóa mới mẻ, du khách còn có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống qua việc chung tay giúp đỡ, đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất mình đặt chân đến. Dù thành phần tham gia và cách thức hoạt động rất khác nhau, nhưng du lịch tình nguyện ở đâu cũng cùng một mục đích là đem lại những điều tốt đẹp. Mong rằng loại hình du lịch này tiếp tục được thực hiện một cách chuyên nghiệp và nhân văn, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn ở nước ta./.

 

Nguồn tin: nhandan.com.vn