Múa rối cạn – Loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào Tày ở Định Hóa
- Thứ tư - 18/07/2018 05:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ, gia đình nghệ nhân đứng đầu phường rối còn lưu giữ được nhiều cuốn sách chữ Nôm Tày ghi chép về các trò diễn múa rối cạn. Xưa có trên 10 trò diễn, nhưng nay chỉ khôi phục được 5 – 7 trò; mỗi trò là một màn diễn múa rối, ngắn thì vài phút, dài thì 10 – 15 phút. Một vài màn múa rối cạn trong các đêm hội mùa xuân đáng chú ý là:Tắc Kè – Pú Cấy; Hội xuống đồng cày bừa, cấy hái; Hán – Sở tranh hùng...
Màn biểu diễn quang cảnh lao động sản xuất của phường rối Tày Ru Nghệ xã Đồng Thịnh tại sân khấu Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa 2016
Màn rối Tắc Kè – Pú Cấy gồm một rối Tắc Kè và một rối Ông già Pú Cấy được gia công từ gỗ thừng mực, to bằng một thân cây mai, cao khoảng 40 cm, mặc quần áo khác màu, đeo dao trông rất ngộ, được gắn lên một thân gỗ dài khoảng 3m. Tích trò là câu chuyện con tắc kè đại diện cho loài vật vì vậy có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh dành với ông Pú Cấy (con người) cái công làm ra ngũ cốc. Các nghệ nhân điều khiển 2 con rối “múa” nhiều động tác leo lên, tụt xuống (trên cây gỗ) để giao tranh với nhau, động tác của rối mô phỏng những động tác chạy, nhảy, vồ, cào, cấu, giằng xé, đánh đấm giữa con người và con vật trông rất sinh động, gây ra những trận cười thoải mái cho người xem. Kết thúc không có kẻ thắng, người thua nên Tắc Kè và Pú Cấy phải sống chung và cùng nhau cầu chúc cho mùa màng bội thu.
Nhiều trò khác của hai phường rối Thẩm Rộc và Ru Nghệ cũng được phục hội, nghiên cứu và giới thiệu với nhân dân địa phương và du khách trong, ngoài nước.
Quang Minh