CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu rộn ràng dịp tết đến xuân về

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu rộn ràng dịp tết đến xuân về
Những ngày cuối năm đến thăm làng nghề bánh chưng Bờ Đậu có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang gõ cửa từng nhà. Trong từng hộ gia đình, người người tất bật làm bánh, bên cạnh những nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà. Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Đây là một trong năm làng nghề bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực miền Bắc .

 

Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu  có từ những năm 1960. Tổ nghề làm bánh ở đây được người dân cho là cụ Nguyễn Thị Xuân, thường gọi là cụ Đấng (gọi theo tên của chồng). Cụ Đấng là người ở xã Củ Lũng. Dân làng kể lại, trước đây, quán bánh của cụ Đấng nằm gọn dưới gốc một cây phượng lớn ven đường, quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách vì hương vị thơm ngon của bánh chưng do cụ Đấng làm. Đến lúc về già, cụ truyền lại nghề cho con cháu và bánh chưng Bờ Đậu được lưu truyền cho đến giờ.

Hiện nay, làng nghề có 50 hộ dân tham gia sản xuất và kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, mỗi hộ bán được 100 đến 150 chiếc bánh chưng, vào dịp gần tết, số lượng này tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Sản phẩm bánh chưng chủ yếu vẫn là bánh chưng truyền thống gồm bánh vuông và bánh dài hình trụ tròn, tương tự như bánh tét của Nam bộ. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm bánh chưng truyền thống, năm nay, một số hộ dân trong làng nghề còn làm thêm một số loại bánh mới như bánh chưng lá giềng để tạo màu xanh sẫm cho bánh, bánh nếp cẩm được làm từ gạo nếp cẩm có màu tím, bánh chưng gấc có màu cam, bánh chưng ngũ sắc gồm các màu kết hợp... để giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Khác với những nơi làm bánh chưng khác, bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn gói mà người dân đều hói bằng tay. Họ cho biết việc gói bằng tay có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều bằng nhau và chiếc bánh chưng có chặt hay không phụ thuộc vào chính người gói bánh. Bánh được gói chặt tay khi luộc sẽ không bị méo mó, căng phồng, mà vuông thành sắc cạnh, hạt nếp dẻo, dền bánh, có mùi thơm nồng. Thời gian luộc bánh kéo dài từ 7 đến 10 tiếng tùy theo mẻ bánh lớn hay nhỏ, khi nồi bánh đã sôi, phải trông để không bị cạn nước và phải thường xuyên thêm nước để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Hiện nay một chiếc bánh chưng vuông hoặc chiếc bánh dài có giá từ 30 đến 50 nghìn đồng/chiếc. Theo người dân ở đây, vào dịp giáp tết, giá bánh sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Để làm nên một sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu ngon thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Tất cả phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Gạo nếp để gói bánh thường được bà con dùng loại gạo nếp Vải của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn  hoặc nếp cái hoa  vàng của tỉnh Hưng Yên. Năm nay, một số hộ gói bằng  giống gạo nếp Thầu Dầu, một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đỗ làm nhân bánh được bà con chọn từ loại đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi và có vị thơm tự nhiên. Cùng với đó là thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được lấy từ núi rừng Việt Bắc. Điều đặc biệt ở làng nghề bánh chưng Bờ Đậu là nguồn nước dùng để luộc bánh phải được lấy từ dãy núi Cẩm nằm sát phía sau làng nghề Bờ Đậu. Nguồn nước ở đây được thiên nhiên ưu đãi và được người dân coi như “ nước giếng thần”. Bà Liên, trưởng làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết: “Chỉ khi luộc với nguồn nước này, bánh chưng Bờ Đậu mới thực sự bộc lộ hết hương vị thơm ngon, độc đáo riêng biệt mà không một loại bánh chưng nào có thể sánh được. Chính vì vậy mà người dân nơi đây có câu ca:

“Bánh chưng luộc nước giếng thần

Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”

Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ nổi tiếng trong vùng, khu vực, mà rất nhiều du khách trên cả nước còn thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Quang Minh