LỄ HỘI MÙA THU CÔN SƠN – KIẾP BẠC 2016
- Thứ hai - 22/08/2016 15:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những lễ nghi trang trọng, thiêng liêng
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2016 diễn ra từ ngày 10-9 (tức 10-8 âm lịch) đến hết ngày 20-9 (tức 20-8 âm lịch) mở màn bằng Lễ cáo yết xin phép mở cửa đền Kiếp Bạc, khai hội mùa thu. Trong suốt 10 ngày lễ hội còn diễn ra những nghi lễ truyền thống thiêng liêng như: Lễ khai ấn; Lễ rước bộ, Lễ tế Đức Thánh Trần; Lễ dâng hương tại đền Nam Tào – Bắc Đẩu; Lễ cầu an, cầu siêu; Lễ dâng hương tưởng niệm 574 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi…
Đền Kiếp Bạc
Tất cả những nghi lễ này đều được tổ chức đúng với truyền thống của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc khi xưa với sự tham gia của đội tế lễ nhân dân làng Vạn Yên, Dược Sơn – hai làng xung quanh đền Kiếp Bạc. Hằng năm, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh nô nức về tham dự các nghi lễ thiêng liêng, trang trọng này trong niềm tự hào và xúc động khôn nguôi khi nhớ về những vị anh hùng dân tộc đã suốt đời cống hiến vì sự nghiệp quốc thái, dân an.
Nét riêng đặc sắc nhất của phần “Lễ” trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc là Lễ rước bộ và Hội quân trên sông Lục Đầu, con sông chảy ngang qua Đền Kiếp Bạc. Trên chính dòng sông này, cách đây hơn 7 thế kỷ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng tướng sỹ miệt mài luyện tập. Khung cảnh lễ hội quân tưng bừng, hoành tráng trong khoảng không gian rộng, cả trên bờ và dưới lòng sông. Dưới sông, hàng chục chiếc thuyền được chăng cờ hoa rực rỡ, cùng nhau biểu diễn ba diễn trình tái hiện chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc: Hào khí Đông A – biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến, Hùng khí Lục Đầu và Ca khúc khải hoàn. Trên khán đài được dựng ngay trên bãi sông, các đội múa lân, múa rồng, múa võ, múa gậy… có những bài biểu diễn tưng bừng, đẹp mắt trong tiếng trống hội rộn rã và tiếng hò reo không ngớt của những người tham gia.
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu
Lễ cầu an và hội hoa đăng trên dòng sông Lục Đầu cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của lễ hội mùa Côn Sơn – Kiếp Bạc với hàng trăm chiếc đèn hoa được thả trên sông. Tham dự những nghi lễ này, du khách không chỉ được sống trong bầu không khí thiêng liêng, trầm mặc, tưởng nhớ tới người thân đã khuất, cầu mong cho cuộc sống hiện tại bình an; mà còn được khơi dậy niềm tự hào về các vị anh hùng dân tộc, về Hào khí Đông A hùng tráng một thời.
Tưng bừng các trò chơi ngày hội
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc hấp dẫn du khách bốn phương không chỉ bởi ý nghĩa tâm linh trang trọng mà còn bởi phần “hội” quy tụ nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: múa rối nước, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, đi cầu khỉ, nhảy bao bố… và các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian như: hát chèo, quan họ, ca, múa, nhạc…
Các phường múa rối nước của xã Lê Lợi (huyện Gia Lộc), xã Hồng Phong (huyện Ninh Giang), xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà) nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn thường xuyên đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Các nghệ nhân múa rối là những người nông dân có thể sáng tay bừa, chiều múa rối; những con người trực tiếp gắn bó với đất đai, với nền nông nghiệp lúa nước – cái nôi cho sự ra đời của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Họ là những nghệ nhân dân gian đúng như thời múa rối mới ra đời, phát triển nên những màn biểu diễn chất chứa đầy cảm xúc của người gắn bó với ruộng đồng: mộc mạc, chân chất mà khéo léo, tài tình.
Tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc năm nay, múa rối nước được tổ chức thành Liên hoan múa rối nước Hải Dương lần thứ VI, và trò chơi bơi chải được tổ chức thành Giải đua thuyền chải tỉnh Hải Dương. Sự nâng cấp quy mô đã đi vào nề nếp hứa hẹn nhiều màn biểu diễn rối nước đặc sắc và sự quyết liệt tranh tài của các đội thuyền chải mạnh nhất trong toàn tỉnh.
Đến với lễ hội, du khách thập phương không chỉ là người chứng kiến mà còn được hòa mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức trên khu vực đê sông Thương, cạnh đền Kiếp Bạc. Những trò chơi tưởng đã mai một theo thời gian vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ nếu được tổ chức quy củ và hướng về đối tượng chính là người dân. Lễ hội năm nào khu vực trò chơi dân gian cũng là nơi có nhiều tiếng cười, tiếng hò reo vui vẻ nhất.
Đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh
Là lễ hội lớn, quan trọng nên Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2016 được tổ chức quy mô với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương trong Ban tổ chức. Trước khi Lễ hội diễn ra một tháng, các tiểu ban tổ chức đã tích cực triển khai các hoạt động của mình và thường xuyên báo cáo với Ban tổ chức để đảm bảo tiến độ.
Bảo vật quốc gia bia Thanh Hư Động
Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, không tắc nghẽn trong cả những ngày đông du khách về trảy hội nhất, những phương án phân luồng xe, bố trí bãi đỗ xe đã được chính quyền địa phương phối hợp với ngành công an lên kế hoạch thực hiện. Những người làm dịch vụ như trông giữ xe, bán hàng, chụp ảnh… đã được ký cam kết chỉ hoạt động theo sự quy định của Ban tổ chức, thu tiền theo giá niêm yết, giá vé, không chèo kéo khách, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm… Đội ngũ giữ an ninh, trật tự cho lễ hội cũng đã được tập huấn, bố trí hợp lý tại các khu vực trong hai khu di tích. Trước và trong những ngày diễn ra lễ hội, các đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm có thể xảy ra.
Để thu hút đông đảo hơn du khách trong nước và quốc tế đến với khu di tích, danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, trong dịp lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch phối hợp với Ban Quản lý di tích, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thị xã Chí Linh đã xây dựng chương trình kích cầu, ưu đãi, giảm giá cho các doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, giá phòng nghỉ cho du khách giảm từ 10-30% so với giá niêm yết; tổ chức thuyết minh miễn phí cho các đoàn khách tham quan khu di tích, danh thắng. Ngoài ra, các công ty lữ hành và du khách sẽ được hướng dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết khác khi có nhu cầu.
Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa lễ hội truyền thống an toàn, trật tự, văn minh.
CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI MÙA THU CÔN SƠN- KIẾP BẠC NĂM 2016
Để có thể nắm rõ thêm thông tin, du khách, các doanh nghiệp lữ hành có thể trực tiếp liên hệ thông qua: Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch Hải Dương, bà Phạm Thị Hải Hà, ĐT: 0965.45.1990 hoặc Email: haiduongtpic@gmail.com.