CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Khám phá hang Ma ở Định Hóa

Khám phá hang Ma ở Định Hóa
Hang Ma là hang đá tự nhiên trong núi Phượng, thuộc bản Ta Ngoải, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa.

 

Cửa hang nằm ở độ cao gần 600m so với thung lũng dưới chân núi. Đường lên hang vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ dốc gần dựng đứng, không có lối mòn, cửa hang hình vòm nhỏ quay về hướng đông nam. Từ của hang đi sâu vào trong khoảng 10m, nền hang tụt xuống như chiếc giếng lớn với độ sâu gần 20m.

Tại hang Ma, các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện loại di tích quan tài bằng thân cây khoét rỗng có từ cách đây 500 năm. Quan tài có độ dài toàn bộ là 2,8m, được đẽo từ một thân cây gỗ lớn, đặt trong ngách hẹp theo hướng đông – tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,8m. Phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở, đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc của tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.

Chiếc quan tài nằm ở trong hang, ảnh Internet.

Dưới nền hang là những mảnh sợ nhỏ và những mảnh xương ống bị gãy. Hiện còn hai chiếc bát tìm thấy ở gần vị trí mấy mảnh sọ; trong đó có một chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen, bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán. Đây là chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ XV thuộc dòng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương. Chiếc bát còn lại, chân thấp men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những vật tùy táng.

Ỏ ngách bên cạnh, cách mộ thân cây khoảng hơn 20m là một vách đá dựng chắn lối đi, có hai chữ “Thiên thập” viết bằng chữ Hán ở tầm vừa tay với người lớn. Cạnh đó là hình một tam giác có một đỉnh quay xuống dưới. Phía dưới nền hang đã bị đào nham nhở, dấu hiệu đã có người đào bới.

Đây là lần đầu tiên Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực núi rừng Việt Bắc. Loại hình di tích này đã từng biết đến ở vùng Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La).

Nguyễn Minh (Theo Từ điển TN)