Huyền thoại về đền Quán linh thiêng
- Thứ ba - 26/05/2015 14:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền Quán là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị của tỉnh Thái Nguyên. Đền nằm trên một khu đất bằng phẳng ven bờ sông Cầu, thuộc xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 28km về phía Đông Nam. Hằng năm, lễ hội đền Quán được tổ chức rất long trọng kéo dài tới bảy ngày thu hút rất đông du khách thập phương về dự lễ, cầu tài, cầu lộc và tìm hiểu về sự tích của ngôi đền linh thiêng này.
Truyền thuyết kể lại rằng, tại làng Đình Cả có một vợ chồng nông dân rất cần cù, chịu khó. Họ sống bằng nghề làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và buôn bán ở chợ. Họ có hai cô con gái rất xinh đẹp, dịu hiền. Hằng ngày, hai chị em phải đi hái dâu, đi chợ trên con đường từ làng Đình Cả qua một con đê dài khoảng 2km, rồi qua sông Cầu sang chợ Hà Châu – Mỏ Chè. Hồi đó, hai bên bờ sông Cầu là những cánh đồng dâu xanh tốt trải dài. Mỗi khi qua sông, hai chị em phải ngồi chờ đò ở quán nước bên gành đá trên bờ sông. Vào một ngày nắng hạn tháng ba, hai chị em đi hái dâu về, vì khát nước quá nên người chị bảo em mang nón xuống sông múc nước cho chị uống. Nhưng uống hết nón này đến nón khác mà người chị vẫn cảm thấy khát nên bảo em ngồi trông gánh để chị xuống sông uống nước. Lạ thay, người chị đi đến đâu nước sông cạn đến đó, đi mãi đi mãi đến của hang Gành thì bỗng nhiên nước trào dâng cuốn người chị vào sâu trong hang. Người em ở trên chờ mãi không thấy chị lên, tưởng chị chết đuối, sợ quá liền bỏ cả quang gánh chạy về báo người nhà đi tìm nhưng tìm liền mấy ngày không thấy xác đâu nên đành bỏ về và đinh ninh người chị bị chết đuối mất xác.
Thực ra, người chị không chết đuối mà vì vua Thủy Tề đã đem lòng yêu thương cô nên muốn lấy cô làm vợ. Từ khi bị nước cuốn vào hang, cô sợ quá, ngất đi nhiều ngày. Khi tỉnh dậy lại thấy mình ở trong một cung điện nguy nga, tráng lệ, được vua Thủy tề chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Thời gian trôi đi, dù sống trong nhung lụa, được cưng chiều hết mức nhưng không khi nào cô nguôi nỗi nhớ gia đình và quê hương trên trần gian. Một hôm, vua Thủy Tề có việc phải đi vắng, trước khi đi có dặn vợ ở nhà không được mở cửa các buồng, các chuồng ra xem. Vì tò mò nên khi chồng đi vắng, cô liền mở hết các buồng, các chuồng ra xem. Cô rất kinh hoàng vì trong đó nhốt đầy ba ba, thuồng luồng, cá sấu, rắn rết... sợ quá cô đóng các cửa chuồng lại. Từ đó cô càng sợ và nhớ nhà hơn. Trong khi đó cô lại đang mang thai con của vua Thủy Tề nên người cứ gầy gò, xanh xao. Thấy vậy, vua Thủy Tề cho hỏi vì sao và cô đã trả lời vì nhớ trần gian quá. Thương vợ, vua Thủy Tề cho vợ về trên trần gian sống với gia đình. Trước khi đi, vua Thủy Tề cho côuống một viên thuốc và dặn về trên đó không được kể chuyện dưới Long Cung, nếu không viên thuốc sẽ làm cô nổ tung.
Thế là sau giấc ngủ tỉnh lại cô đã được đưa về gia đình với gánh lá dâu xanh non mơn mởn. Cô rất vui vì được gặp lại gia đình sau bao năm xa cách. Còn gia đình cô thì rất ngạc nhiên, họ hỏi cô mất tích lâu năm như vậy thì cô đã sống ở đâu và sống như thế nào nhưng cô chỉ im lặng không dám nói một lời nào. Một năm sau thì cô sinh con, nhưng chỉ là hai quả trứng. Cô đem để chúng vào một cái niêu đất, giấu ở gốc cây xanh gần nhà. Rồi hai quả trứng ấy nở thành hai con rắn rất đẹp. Hằng ngày cô mang thức ăn cho chúng, chúng lớn rất nhanh. Cô biết đó là con vua Thủy Tề. Một hôm, vì đi chợ về muộn nên khi mang thức ăn ra cho chúng, chúng quấn quýt bên chân cô, vô tình, cô đã giẫm đứt đuôi một con thành ra con cộc, con dài. Hôm sau, cô trả rắn về động Long Cung cho vua Thủy Tề. Trước khi đưa các con về với bố, cô có dặn khi nào mẹ đi chợ qua thì nổi lên đưa mẹ qua sông với hai câu gọi:
“Cộc Cộc, Dài Dài bắc cầu mẹ sang
Mẹ mua bánh đúc, bánh đàng cho con”
Thế rồi ngày tháng cứ trôi qua, bà vẫn ngày ngày đi chợ, hái dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Khi tuổi đã về già, bà biết cũng đến lúc trở về Long cung đoàn tụ cùng vua Thủy Tề, bà gọi cả gia đình đến bên mình và kể lại toàn bộ sự thật được bà giấu kín suốt mấy chục năm trời. Cuối cùng bà chăng chối rằng khi bà thác đi, xin hãy an táng cho bà tại bờ sông Cầu,cạnh gành đá gần bến đò xưa. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà có đọc hai câu thơ:
“Sống là con mẹ con cha
Chết đi xin được làm ma quê chồng”
Bà thác đi đúng ngày 15 tháng 3 âm lịch. Gia đình và dân làng nhớ lời bà dặn đã lo đám tang chu tất và đưa linh cữu của bà đến chôn cất đúng nơi bà dặn. Nhưng khi đưa đến địa phận gần núi Chiêng, núi Trống thì bỗng nhiên trời đổ mưa rào, sấm chớp đùng đùng, đất trời tối tăm mù mịt. Gia đình và dân làng tạm để linh cữu lại và đi trú mưa. Đến khi trời quang mây tạnh, mọi người trở lại nơi đặt linh sàng thì không thấy quan tài đâu nữa. Và lạ thay, mỗi thứ lấy đi đều được trả một quan tiền, mỗi đầu đòn được trả hai quan tiền. Từ đó, dân làng Mai Sơn lập đền thơ bà bên gành đá trên bờ sông Cầu, gần núi Quán và gọi là đền Quán. Từ khi đền Quán được lập nên, nhân dân xa gần thường đến cầu nguyện, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu mưa... cầu gì được nấy rất linh thiêng. Đến nay, dân làng Mai Sơn và khách thập phương xa gần nhớ ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Mẫu lại về đền Quán linh thiêng. Tục truyền rằng, đến ngày này cá thường nổi đầy sông, và năm nào cũng vậy, khi lễ hội đền Quán kết thúc là trời đổ mưa rào, người ta bảo rằng đó là mưa rửa đền.
Đền Quán là di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Từ khi được xây dựng cho đến nay, nó đã mang trên mình một bề dày lịch sử, để lại cho đời sau một công trình văn hóa cổ truyền quý báu, chứa đựng nhiều nét độc đáo như: Những mảng chạm khắc tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật với đề tài Tứ Linh, Tứ Quý, Rồng Mây... phản ánh cuộc sống và tư duy trí tuệ của người dân và nghệ nhân xưa. Hiện đền Quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị (sắc phong, gạch lát, chân kê chứa đựng nhiều thông tin quý giá, rất có ích cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương.
Đền Quán linh thiêng từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội truyền thống đền Quán hàng năm thu hút rất đông du khách tới tham quan, du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Bài và ảnh: Mai Sinh
Ảnh: Lễ tế thần trước đền Quán linh thiêng