CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Huyền thoại chùa Thiêng Thác Vàng

Huyền thoại chùa Thiêng Thác Vàng
Không đơn thuần là nơi nghỉ dưỡng, Hồ Núi Cốc còn là nơi để du khách đắm mình vào huyền thoại, cảm nhận rõ hơn tình yêu cuộc sống, thậm chí là cơ hội để tĩnh tâm nhìn lại mình. Nổi bật giữa khung cảnh núi non sơn thủy hữu tình là một chốn thiền thanh tịnh, với ngôi chùa có kiến trúc độc đáo gắn liền với truyền thuyết có từ ngàn đời xưa, đó là chùa Thiêng Thác Vàng.

Theo truyền thuyết, xưa kia có đôi vợ chồng nông dân nghèo rất yêu thương nhau. Ngày ngày, người vợ chăn tằm, dệt vải, nuôi con; người chồng phát nương, đốn củi, đuổi thú giữ. Dù nghèo nhưng họ thường bớt những phần lương thực kiếm được chia cho người ốm và người nghèo hơn.

8776 Colors
Chùa Thiêng Thác Vàng

Vài năm một lần, ở đây bị những cơn lũ quét, những đợt bão rừng tràn về cướp đi tính mạng, của cải của dân làng. Nhìn cuộc sống cứ mãi lầm than tăm tối của dân làng, đôi vợ chồng nọ vẫn mong đến một ngày nào đó cuộc sống sẽ đổi thay, con trẻ được ấm no, người già được hân hoan, xóm làng được thay da đổi thịt. Ước mơ của họ đã thấu tận trời Phật. Một đêm trở gió, núi rừng rung chuyển, tiên ông đã hiện về trong giấc mơ của người chồng: “Vợ chồng con là người tốt, chăm chỉ, siêng năng, lại biết lo toan cho mọi người, ta sẽ giúp con. Các con hãy trèo lên đỉnh núi cao gần giáp với bầu trời kia, hãy cuốc thật sâu, con sẽ được như ý nguyện”. Trong phút chốc, tiên ông biến mất.

Mờ sáng hôm sau, đôi vợ chồng mang theo cơm nắm, muối vừng leo lên quả núi nọ để làm theo lời tiên ông dặn. Chiều xế bóng, họ mới leo tới đỉnh núi. Họ cuốc mãi, đào mãi đến một lúc từng tảng đá bật lên và bỗng một tia nước lóe ra. Dòng thác toàn vàng chảy cùng dòng nước xối xả dội xuống tân chân núi. Hai vợ chồng vui sướng tột độ, về gọi dân làng. Cả làng mừng khôn xiết. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ những người hiền lành, tốt bụng mới nhìn thấy dòng thác bằng vàng đó. Những kẻ tham lam, độc ác chỉ nhìn thấy những dải đá đổ xuống ầm ầm. Từ đó cuộc sống của dân làng thay đổi hẳn. Họ được ấm no, đôi vợ chồng ngày càng giàu có và hạnh phúc. Chùa Thiêng Thác Vàng chính là ngôi chùa huyền thoại mà đôi vợ chồng người nông dân nọ dựng lên để tạ ơn trời Phật đã hiển linh. Chùa xưa đã không còn nhưng ngày nay con người lại xây dựng chùa mới khang trang hơn, to đẹp hơn.

Đời này qua đời khác, câu chuyện thác vàng và thuyết nhân quả đã thành huyền thoại. Ngọn núi cũng mang tên Thác Vàng từ đó. Chùa Thiêng Thác Vàng được đặt tên theo sự tích chùa nằm trong lòng Phật được đặt trên đỉnh Thác Vàng. Chùa có một tượng Phật cao 45m, đường kính chiều ngang của đài sen rộng 37m, tọa lạc trên đỉnh núi và hướng mặt ra Hồ Núi Cốc.

ruouvang2 637042418328507320
Công trình thuyết nhân quả

Tham quan chùa Thiêng Thác Vàng  du khách sẽ được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc với những tượng và phù điêu rất lớn gắn vào tường, mô tả về những huyền tích rất lạ mắt và độc đáo.

Toàn bộ khu chính điện, tam quan, tam bảo, nhà thờ tổ nằm dưới đài sen tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Trong lòng tượng Phật là 36 hạng mục của công trình “Thuyết Nhân Quả” được xây dựng rất quy mô mang thông điệp: “Con người hãy sống chia sẻ và yêu thương nhau. Đồng thời giúp nhau dẹp bỏ cái ác trong mỗi con người, giúp con người biết tu nhân tích đức, sống tốt và có lễ nghĩa hơn”. Sau khi bước qua cửa chùa, du khách được lạc vào chốn hang động lung linh huyền ảo tựa như bồng lai tiên cảnh, mang màu sắc phật giáo, thể hiện qua những bức phù điêu rất lớn, có diện tích từ 25 –30m2 thể hiện một triết lý Phật Giáo trong thuyết Nhân Quả: Người con cháu đầy đàn, sống thọ vì do đời trước thường hay phóng sinh. Ai thông minh sáng láng vì do đời trước thường hay niệm phật. Ai khỏe mạnh vì do đời trước hiến thuốc cứu người. Ai ấm no đầy đủ do đời trước hay bố thí kẻ nghèo khó… Xưa nay, nhân quả là quy luật của cuộc sống, gieo nhân nào gặp quả đó, dù khoa học chưa thể chứng minh nhưng nó vẫn tồn tại như một chân lý vĩnh cửu.

Với lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa nằm trong lòng pho tượng Phật lớn đã thu hút khá đông đảo du khách hành hương về chùa lễ Phật./.

Bài và ảnh:Hải Đăng