Hồng Thái 2 và câu chuyện xây dựng thương hiệu điểm đến
- Chủ nhật - 26/05/2019 12:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều du khách về đây đã có nhận xét: Nông dân Hồng Thái 2 không hổ danh là “Đệ nhất danh trà”. Thứ ẩm thực họ làm được là cả một nghệ thuật, một khoa học được đúc kết lại từ ngàn đời. Rồi bây giờ chủ nhân của vùng chè này đã biết làm du lịch.
Ý tưởng xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm ở xóm Hồng Thái 2 được phôi thai từ năm 2011, khi lần dầu tiên tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival tôn vinh người trồng chè. Đến năm 2012, được sự tài trợ của cơ quan Hỗ trợ phát triển Quốc tế CIDA, thông qua Liên đoàn Đô thị Canada, Làng văn hóa du lịch cộng đồng được hình thành ở xã Tân Cương, nhưng chủ yếu vẫn là các hộ thuộc xóm Hồng Thái 2 tham gia. Từ bấy giờ, các hộ tham gia làm du lịch và nhiều hộ dân trong vùng được cơ quan chức năng các cấp tổ chức cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn về làm du lịch. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở xóm Hồng Thái 2 có thêm một nghề mới, cải thiện thu nhập gia đình.
Theo các chuyên gia đầu ngành về chè ở Việt Nam: Thổ nhưỡng thuộc xóm Hồng Thái 2 cho ra sản phẩm chè có hương vị đặc biệt nhất của vùng chè Tân Cương. Nói như thế, thì chè Hồng Thái 2 được coi là nhất của “Đệ nhất danh trà”. Đây là nguyên nhân để những người sành chè trên nhiều miền đất nước thường xuyên về đây ngắm cảnh, thưởng trà và đặt mua chè làm quà biếu. Tôi còn nhớ một lần theo đoàn du khách về Hồng Thái 2 trải nghiệm, cụ Ngô Thị Khẩn, hơn 80 tuổi chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã gắn bó với cây chè. Mỗi ngày tôi đều uống trà nên chẳng bị đau ốm bao giờ… Vừa nói, đôi tay cụ không ngừng xoay, lắc chiếc sàng trên tay làm những búp chè khô chạy thành vòng tròn, thi nhau rơi rào rào xuống cái nia đặt phía dưới. Ông Trần Văn Thắng, con của cụ Khẩn cho biết: Cụ đang phân chia chè ra làm nhiều loại để định giá bán cho người tiêu dùng. Tất các các hộ dân làm chè ở đây đều làm như vậy.
Ngồi thưởng trà, nhàn đàm mới thấy người dân vùng chè có nếp sống thanh đạm, nhưng có sức chịu đựng bền bỉ, công phu để làm ra loại chè ngon nức tiếng cả nước. Họ luôn tiếp cận những cái mới, cái tân tiến rồi mang áp dụng vào sản xuất của gia đình. Như việc áp dụng sản xuất chè an toàn theo quy trình UTZ; quy trình VietGAP… Ông Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên cho biết: Đồi chè của gia đình tôi được nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhất là người châu Âu, họ rất thích lên đồi hái chè dưới trời nắng. Họ thấy thỏa mãn khi được ngồi bên bếp lò giữa mùa hè để tự tay sao chè. Một lần, ông Jhon Henson, du khách đến từ nước Đức, trong thời gian trải nghiệm đã luôn miệng nói: Thích quá, vì đến đây chúng tôi được hít thở không khí trong lành, được nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp và cùng nông dân làm ra sản phẩm chè… Giây lát dừng lời, ông Đại khoe: Nhà tôi mấy đời làm chè đặc sản, nay làm thêm du lịch với suy nghĩ chào đón bạn bè muôn phương, đồng thời quảng bá cho sản phẩm chè của tỉnh… Ông lấy cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ và Giấy chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện xóm Hồng Thái 2 có 10/170 hộ tham gia làm du lịch trải nghiệm, trong đó có các hộ: Bùi Trọng Đại, Lê Quang Nghìn, Trần Văn Thái và Lê Văn Toán đăng ký cho khách nghỉ lưu trú... Đây là các hộ làm chè giàu kinh nghiệm, tạo được sản phẩm ngon số 1 trong vùng chè Tân Cương. Du khách trong nước thích tìm hiểu về quy trình sản xuất, chế biến chè. Còn du khách quốc tế trong thời gian trải nghiệm, ngoài việc tìm hiểu về cây chè, họ còn thích học nói tiếng Việt. Ông Thái cho biết: Tham ra làm du lịch, nông dân vùng chè chúng tôi có cơ hội mở mang tầm nhìn, học được ở du khách nhiều thứ, trong đó có văn hoá ứng xử. Còn ông Toán cho biết: Cũng nhờ có du khách, nông dân chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc chấp hành quy trình sản xuất chè an toàn, và xây dựng thương hiệu điểm đến, từng bước tạo ấn tượng độc đáo riêng biệt để khi nhắc đến Thái Nguyên, du khách trong nước, quốc tế nghĩ ngay đến vùng chè Hồng Thái 2 của Tân Cương.
Ông Lê Quang Nghìn, một nông dân có tên tuổi về làm chè đặc sản cho biết: Hiện gia đình có 8.000m2 đất chè, mỗi năm thu hoạch được 1.200 kg chè búp khô các loại, gồm 3 sản phẩm chính: Chè móc câu truyền thống, chè đinh và chè tôm nõn. Chè móc câu có giá bán 350.000 đồng/kg; chè tôm nõn có giá bán 550.000 đồng/kg; chè đinh có giá bán 2,8 triệu đồng/kg. Cũng như các hộ trồng chè trong vùng, gia đình tôi chủ yếu làm theo đơn đặt hàng… Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Ông Nghìn là người thuộc thế hệ thứ 3 trong gia đình sống nhờ cây chè. Cũng vì thế mà đồi chè của gia đình ông được thiết kế rất bài bản. Chè được trồng thành từng lô khác nhau, giữa các lô chè có đường đi lại để tiện việc chăm bón, thu hái và vận chuyển chè tươi về nhà sao xấy. Ở chân đồi, ông thuê máy đào thành ao chứa nước rộng gần 1.000m2, bảo đảm đủ nước tưới chống hạn. Từ hơn 2 năm trước, ông đầu tư lắp đặt hệ thống bơm tưới chè tự động, nhờ đó ông có thể ngồi uống trà với khách mà cây chè ngoài đồi không bị khát nước.
Bằng sự chân thành, hiếu khách và lòng nhiệt tình, người Hồng Thái 2 đang từng bước tạo dựng được thương hiệu điểm đến. Hầu hết các hộ tham gia làm du lịch đều có lắp đặt mạng internet; biết trao đổi những câu đơn giản với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Ông Đại cho biết thêm: Nhiều du khách nước ngoài đến đây, sau khi trải nghiệm với nông dân, họ đạp xe đến Hồ Núi Cốc, hoặc xã Bình Sơn (T.P Sông Công) thăm quan hồ Ghềnh Chè, rồi trở về cùng gia đình ăn cơm, thưởng trà. Nhiều người trong số họ đã trải nghiệm ở Hồng Thái 2 vài ba lượt, song lúc trở về, bắt tay tôi, vẫn câu nói: “See you again” - hẹn gặp lại.
Bài và ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn