CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Hồ Ghềnh Chè - "Nàng công chúa ngủ trong rừng”

Hồ Ghềnh Chè - "Nàng công chúa ngủ trong rừng”
Chớm mùa hè năm 2018, nắng gay gắt, song mưa cũng “nhiệt tình”. Cả vạt trời đằng Đông tồi xầm vì mây đen. Và mưa bắt đầu rơi xuống vùng đất xã Bình Sơn (T.P Sông Công). Mưa làm cho những vạt rừng, nương chè và các khu đồng bừng tỉnh. Và mưa tiếp sức cho hồ Ghềnh Chè hồi sinh.

 

Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Hồ Ghềnh Chè không chỉ là một công trình thuỷ lợi lớn của tỉnh, mà từ lâu hồ còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế. Nhiều người về vãn cảnh hồ đã thảng thốt, nói với tôi rằng: Một mỏ vàng lộ thiên của ngành Du lịch. Nhưng rất tiếc vì chưa có nhà đầu tư nào biết đến, nên hồ Ghềnh Chè vẫn như “Nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Đã có bao vãn khách về đây, ngắm hồ, nhìn rừng, bất chợt ưỡn ngực hít một hơi thật sâu rồi buột miệng: Vùng đất này thật đáng sống… Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Sơn một cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, con người sống hồn hậu, mến khách. Xin ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Ghềnh Chè chỉ là một dòng nước lành dọc dưới khe rừng, chảy miên man mang theo những câu chuyện cổ tích buồn vì thiếu vắng bàn tay con người. Nhưng cũng từ những ngày hoang sơ, vắng vẻ ấy lại là năm tháng các nhà khảo sát, thiết kế của tỉnh “hoài thai” nên một công trình trữ nước lớn phục vụ lợi ích con người.

Cho đến bây giờ, những người cao niên ở xã Bình Sơn, nhất là các cụ già đang sinh sống tại các xóm bên hồ, gồm: Tân Sơn, Tiền Tiến, Khe Lim, Kim Long 2, Kim Long 1 và xóm Lát Đá đều nhớ như in ngày một vùng đất của Bình Sơn bừng tỉnh. Năm 1986, hàng trăm cán bộ, công nhân thuộc Công ty Gỗ Trụ Mỏ Đông Bắc (Bộ Công nghiệp cũ) đã về đây, với máy xúc, máy ủi, xe cơ giới làm nhiệm vụ ngăn đập, xây hồ. Sau gần nửa năm thi công, một bờ đập lớn, vạm vỡ lựa thế đồi đất vững chãi cắt ngang dòng nước. Mùa mưa xuống, nước từ các triền rừng phía thượng nguồn đổ về, ùn lại, dâng lên. Nước nhấn chìm tất cả những khu đất trũng phía dưới. Và giữa mặt nước trong như ngọc ấy, có những ngọn đồi tròn trịa nhô cao, tạo thành các đảo lớn nhỏ. Hồ Ghềnh chè có tên trên bản đồ từ đó.

Một cán bộ Cụm Khai thác thủy lợi hồ Ghềnh Chè cho biết: Hồ có diện tích mặt nước rộng 80 ha, ở thời điểm lũ tối đa đạt 90 ha. Thời điểm cường lũ tối đa đạt dung tích toàn bộ khoảng 2,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích đạt trên 2 triệu mét khối. Nước từ hồ này được sử dụng phục vụ tưới cho 350ha đất nông nghiệp 2 vụ của 14 xóm thuộc xã Bình Sơn. Ông Dương Quang Minh, cán bộ văn hoá xã Bình Sơn cho biết: Hồ đẹp, ai đến một lần là mê mẩn. Cũng vì thế mà một số “đại gia” gác mộng thành phố về đây mua đất xây dựng vi la, biệt thự, để mỗi năm có vài ba lần đưa người thân, bè bạn về nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Một góc hồ Ghềnh Chè

Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân có nhà bên hồ cho biết: Du khách biết đến hồ Ghềnh Chè từ năm 2000. Nhưng họ đi theo từng nhóm nhỏ. Họ đến và về trong ngày. Những năm gần đây, số khách đến vãn cảnh ở khu vực hồ ngày một nhiều, chủ yếu là thanh niên, đông nhất là học sinh, sinh viên rủ nhau về cắm trại.

Để tôi có cái nhìn rộng hơn, ông Lê Quang Thắng, cán bộ phụ trách mảng xây dựng nông thôn mới của xã dẫn tôi đi theo trục đường mòn lên một đỉnh đồi cao. Tôi hăm hở bước dưới tán rừng mát dịu, nghe lá gieo, nhìn sóng hồ vỗ về êm đềm thấy lòng nhẹ vơi gánh nặng áo cơm. Giữa cảnh “Sơn - thủy hữu tình”, dốc cao, đường trơn nhưng không thấy mệt, một cảm giác thoải mái thường trực nên khi tới đỉnh đồi mà chân còn ham bước. Từ đây, phóng mắt nhìn vào miên man dài, rộng, thấy nước mềm như vòng tay ái tình một sơn nữ. Nước ôm lấy từng vạt đồi cao mà vỗ về, hò hẹn theo các mùa trong năm.

Một khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Cả một vùng đất rộng của xã Bình Sơn có rừng cây bao quanh hồ nước. Tất cả như một cỗ máy điều hòa khổng lồ, thời tiết ở đây luôn thấp hơn so với ngoài T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công khoảng 2 độ. Hơn thế, trong tiết trời mùa hè, dù nằng nồng oi đến mấy, thì khi bước dưới tán lá xanh, hoặc đi thuyền trên mặt hồ nước trong như bích ngọc, ai nấy đều cảm nhận có bàn tay mịn, mát xoa lên da thịt mà quên đi cái nắng, nóng trời hè.

Ông Phương cho biết thêm: Có 4 trục đường dẫn đến Hồ Ghềnh Chè là: Từ trung tâm xã qua xóm Bá Vân; hoặc qua xã Bình Đình vào. Còn từ trung tâm T.P Thái Nguyên có thể đi qua đường thuộc xóm Soi Vàng (Tân Cương) vào. Và từ T.X Phổ Yên, qua xã Phúc Tân vào, đường đi nào cũng thuận tiện vì các trục đường đã được bê tông hoá. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, hầu hết các tuyến đường vào hồ đã được nhân dân địa phương hiến đất, mở rộng, việc đi lại của nhân dân, du khách càng trở nên thuận lợi.

Mùa mưa, nước dâng lên, tràn qua bờ kè xả lũ. Nước chảy như một màn lụa mỏng, rồi hất ngược lên thành đường cong cầu vồng, xối xuống chân đập khiến nhiều du khách không cầm lòng, ào xuống cho dòng nước mát lành mơn man lên da thịt. Rồi từ đây, du khách có thể vào một hộ dân bên hồ để thuê áo phao, thuê thuyền nan nhỏ tự chèo lái, du ngoạn trên mặt hồ mênh mang. Đi trên gợn sóng lăn tăn xô mạn thuyền, rồi cập bờ một hòn đảo nhỏ có cây phủ thành rừng, hoặc một đảo chè, đảo cây ăn quả do người dân bên bờ ra làm kinh tế. Cắm trại, câu cá, nấu ăn, thử làm những “Rôbin sơn” trên đảo. Hoặc nữa là thuê thuyền có gắn động cơ cole đi ngược lên phía thượng nguồn, với “hải trình” hơn 7 km, du khách thỏa nhãn ngắm nhìn làng mạc, rừng cây và thấp thoáng các cần thủ lặng lẽ, kiên nhẫn săn tìm đàn cá dưới lòng hồ. Gặp trên “hải trình” ấy bác nông dân chèo thuyền, đổ lờ bắt cá; cô gái hái củi trở về với nón lá che nghiêng, nụ cười giòn tươi với lữ khách phương xa.

Một ngày đến hồ Ghềnh Chè, cảnh ấy, nụ cười ấy theo về cả trong giấc ngủ. Để một sớm mai thức dậy, lòng luyến nhớ vị ngọt lành bát chè tươi của sơn nữ trên hồ. Nhớ hương vị của các món ẩm thực độc đáo: Cá hồ hấp lá xả, gà ri nướng than củi, nem ống, cơm lam và thưởng thức các làn điều then, cọi của đồng bào Tày, hát ví của đồng bào người Dao, hát soọng cô, múa bướm của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Bình Sơn hồ Ghềnh Chè. Hồ mang vẻ đẹp của rừng cây, hồ nước, và lặng lẽ, mơ màng như “Nàng công chúa ngủ trong rừng” còn chờ đợi nhà đầu tư đến để thức dậy một tiềm năng.

Phạm Ngọc Chuẩn