CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Hang Thắm Choong – nơi cư trú của người nguyên thủy

Thắm Choong là hang đá tự nhiên, dịch nghĩa từ tiếng Tày ra tiếng Kinh là hang Thông, còn gọi là hang Dơi, nằm trong dãy núi đá vôi thuộc xóm Hạ Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.

 

Vị trí hang khá cao, khoảng 70m so với mặt bằng bãi đất ở chân núi. Lối lên hang thuận tiện bởi đá tự nhiên như được xếp thành bậc. Cách chân núi chừng 100m là một dòng suối nhỏ. Hang xuyên suốt trái núi, hai cửa mở ra ở hai sườn núi hướng ngược chiều nhau cách nhau khoảng 150m. Cửa chính của hang rất lớn, rộng tới 37m, cao 25m, nhìn về hướng đông. Nền hang thấp dần từ cửa vào, chỗ thấp nhất phía giữa hang tới 5m. Dọc theo vách hang, có nhiều ngách nhỏ, ăn sâu vào núi. Nền hang có rất nhiều phân dơi và đá dăm. Hang Thắm Choong rộng rãi, thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thuận lợi cho người xưa cư trú lâu dài.

Thắm Choong là hang động rộng lớn nhất trong toàn bộ các hang động ở khu vực Thần Sa đã được các nhà khảo cổ khảo sát nghiên cứu trong hai thập niên thứ 7 và thứ 8 của thế kỷ XX. Tháng 3/1980 các nhà nghiên cứu của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái đã tiến hành khai quật tại Thắm Choong với một hố đào nhỏ 1m2. Hố đào cho phép xác định tại đây có một tầng văn hóa duy nhất, độ dày 0,7m, bên trong chứa nhiều vỏ ốc suối, đá dăm và hàng trăm di vật là các công cụ chặt thô, nạo cắt, mảnh tước, mảnh vỡ, hòn ghè, đá nguyên liệu trong đó có công cụ chặt thô được gia công ít, vết ghè thô sơ, tùy tiện chiếm số lượng lớn hơn cả.

Di chỉ Thắm Choong được các nhà khảo cổ xác định có niên đại giai đoạn đầu của Văn hóa Sơn Vi, tức giai đoạn sớm của hậu kỳ thời đại đồ đá cũ.

Quang Minh