CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Giấc mơ Điềm Mặc

Giấc mơ Điềm Mặc
Xã Điềm Mặc, địa phương có nhiều di sản nhất huyện Định Hoá, với 24 di tích lịch sử kháng chiến đã được Nhà nước cấp Bằng, dựng bia và lập hồ sơ khoa học công nhận. Nhưng hầu hết các di sản thưa vắng người thăm viếng, chưa phát huy được hết giá trị di sản. Nên từ bao lâu nay, hơn 4.600 cư dân thuộc 28 xóm của Điềm Mặc vẫn đau đáu niềm mơ: Một ngày không xa, người Điềm Mặc no ấm hơn nhờ có nhiều di sản.

 

Nhưng hiện “vẫn là mơ”, vì các di sản ở Điềm Mặc chưa thực sự hấp dẫn với du khách. Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều đoàn khách từ T.P Thái Nguyên lên thăm ATK Định Hoá, thường đi thẳng từ Quán Vuông, qua Bình Yên, vào Phú Đình thăm mái lán Tỉn Keo, nơi Bác Hồ cùng Bộ Chính trị Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; lên đỉnh đèo De thỉnh chuông ở Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sang Sơn Dương (Tuyên Quang) thăm cây đa Tân Trào. Còn đồng chí Ma Đình Soạn, Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời là hộ tham gia làm du lịch ở thôn Bản Quyên cho biết: Cũng có đoàn khách dừng lại, muốn ghé thăm các di sản ở xã, nhưng thấy đường hẹp, người vắng, nên ngần ngại bỏ về.

Thôn Bản Quyên, một địa chỉ du lịch còn mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày Việt Bắc. Đồng chí Ma Đình Phụng, Bí thư chi bộ cho biết: Trong 36 nóc nhà ở Bản Quyên thì hiện có 20 ngôi nhà sàn. Năm 2009, 15 nhà sàn ở thôn Bản Quyên được Nhà nước hỗ trợ tiền sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn cho các đoàn khách đến thăm quan các di tích lịch sử, nghiên cứu và tìm hiểu những phong tục tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc Tày.

P1100543 (1)

Làng văn hóa du lịch Bản Quyên (xã Điềm Măc, Định Hóa). ảnh: Quang Minh

Bấm đốt tay, ông Ma Đình Hiệu, Trưởng thôn kể chi tiết: Ngôi nhà sàn 2 gian, 2 chái của gia đình bà Ma Thị Thi được hỗ trợ ít nhất là 10 triệu đồng; ngôi nhà sàn 5 gian, 2 chái gồm 48 cột của gia đình ông Ma Đình Quang được hỗ trợ 21 triệu đồng. Hầu hết các ngôi nhà sàn của bản đều được hỗ trợ với số tiền là 15 triệu đồng/nhà để tu sửa, nâng cấp. Ngoài ra, các hộ có nhà sàn còn được nhận thêm 30% tiền mua vật liệu thay thế, như cột, kèo, xà, hoành.

Ngồi bên bậc cầu thang lên nhà, bà Ma Thị Lan cầm cây đàn tính nảy lời bài hát: “Thái Nguyên quê noọng”. Lời hát rổn rảng như rừng reo, suối nói. Từng lời tựa cung bậc cầu thang đưa ta về mường Then có tiếng tính tẩu ngàn đời ngân nga. Tôi mang lời Then, tiếng tính ấy lên những rừng cọ, đồi chè, và gặp ở đó những “dấu xưa, lối cũ, rêu phong phủ dày”. Nhẩn nha dưới tán rừng, qua 79 thềm bậc chúng tôi lên đến ngọn đồi Khau Tý. Ai nấy thở phào, nhẹ nhõm, lòng liên tưởng: “Vẫn còn đâu đây bóng hình của Bác”.

Đồi Khau Tý, năm 1947, Bác Hồ chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hoá lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian ở đồi Khau Tý (từ ngày 20-5 đến tháng 10-1947), Bác đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tài liệu học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ. Cũng tại mái lán Khau Tý, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ. Năm 2007, đồi Khau Tý được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.

Du khách lên thăm lán Khau Tý, ảnh: Minh Đỗ

Năm tháng trôi mau, nhiều chứng nhân lịch sử ở miền đất cách mạng lặng lẽ theo nhau về với “thế giới người hiền”. Nhưng còn đây trám bùi, tán đa, vầng bông bụt ngời xanh bên mái lán Khau Tý. Quanh lán, cả một khoảng đồi rộng là rừng vầu, rừng cọ bao bọc, trở che. An toàn hơn rất nhiều là sự trở che, bảo vệ của lòng người Điềm Mặc.

Trong kháng chiến, người Điềm Mặc tham gia giúp đỡ cánh mạng, bảo vệ cách mạng. Ngày đất nước giành lại hòa bình, người Điềm Mặc cùng chung vai góp sức xây dựng quê hương. Dù kinh tế chưa hết khó khăn, nhưng người dân xã Điềm Mặc lòng ắp đầy niềm tự hào vì được sinh ra, trưởng thành trên quê hương mang nhiều dấu tích lịch sử cách mạng. Cô giáo Trương Thị Bích Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Ngân cho biết: Các năm học, Nhà trường đều tổ chức cho cán bộ, giáo viên đưa học sinh đến thăm một số điểm di tích cách mạng. Thông qua đó giúp các em học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về những bài học lịch sử. Còn bà Nông Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã cho biết: Vào các ngày 8-3; 20-10 hằng năm, Hội đều tổ chức cho chị em đến thăm, viếng di tích Hoàng Ngân. Cùng ôn lại câu chuyện về người Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam đầu tiên. Qua đó nhắc nhớ nhau gìn giữ, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, động viên nhau tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Đang những ngày tháng Mười, khi ở miền xuôi nông dân đã thu hoạch xong vụ mùa, thì ở xã vùng cao Điềm Mặc, các cánh đồng: Nạ Vờ, Nạ Đút, Bản Quyên, Nạ Tra… lúa đang vào độ chín, khoe hạt mẩy vàng dưới nắng cuối Thu. Đi giữa đồng vàng, câu nói của cụ Ma Đình Đạt (sinh năm 1923), ở thôn Bản Quyên dành cho tôi năm nào còn vẳng bên tai: Đây là vùng đất mang trên nó một quá khứ vinh quang. Với hơn 20 địa điểm được các “tiền nhân” ở, lãnh đạo kháng chiến.

Cụ Đạt qua đời năm 2001. Nhưng trước khi xuôi tay bỏ mọi vương vấn hồng trần, cụ tự nguyện hiến 663m2 đất ở đồi

Cán bộ, nhân dân xã Điềm Mặc tham gia bảo vệ, gìn giữ di tích đồi Tỉn Keo, ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn

 

Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại khuôn viên di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại khuôn viên di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ( Đức Chính)

Khau Tý cho Nhà nước xây dựng di tích. Khi đó, năm 1995, các cơ quan chức năng Nhà nước có chủ trương xây dựng, tôn tạo, nâng cấp những di tích lịch sử trên địa bàn, các hộ dân có đất liên quan đến di tích đều nhiệt tình ủng hộ. Bắt đầu từ nhà cụ Đạt, đến các cụ: Lường Văn Vinh, xóm Đồng Vinh 4; Triệu Đình Lệ, xóm Roòng Khoa; Nguyễn Văn Tần, xóm Đồng Lá 4; Hạc Thông Thương, xóm Thẩm Doọc… Điển hình trong phong trào hiến đất xây dựng di tích có 3 cha con mang họ Mông ở xóm Đồng Vinh 2 gồm: Chí Thời (bố) và 2 con trai là Chí Cười, Chí Chiến. Ba cha con ông Thời hiến gần 6.000m2 đất để xây dựng di tích nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng Ban (Ban đóng quân từ năm 1948 đến năm 1950). Năm 2007, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.

15192523 1168953459887415 8818517718968557274 n 1

Cây râm bụt Bác trồng năm xưa vẫn xanh tươi bên lán nhỏ Tỉn Keo (Ảnh: Minh Ngân)

Bà Ma Thị Thủy, con gái của cụ Hạc Thông Thương cho biết: Sau khi hiến đất cho Nhà nước xây dựng di tích lịch sử Hoàng Ngân, gia đình tôi tiếp tục nhận việc trong nom, bảo vệ di tích; bảo đảm di tích được sạch sẽ để đón nhận những người con trên mọi miền đất nước về thăm nhớ. Ở đây, tôi đều đặn tuần rằm, mùng Một hương khói tưởng nhớ đến liệt sĩ Hoàng Ngân…

clip image001

Di tích lịch sử Hoàng Ngân - Nơi đặt trụ sở của Hội LHPN Việt Nam (Ảnh: Thúy Hà)

Tôi nén giấu xúc động nhìn xuống triền đồi, có lấp xấp lau lá bên các dòng khe: Nà Lạng, Đồng Lá, Nạ Tra đang mải miết gom nước đổ về Hồ Núi Cốc. Dòng nước mang đi hạt phù san. Nhưng dấu xưa còn lại ở lòng người, nên những đồi: Khau Tý, Khuổi Khê; Pụ Miếu; Roòng Khoa; Khau Hấu; Ngạm Ngà; Khau Tràng; Tù Lẳng; Nạ Nhậu… đã trở thành di sản quan trọng của một vùng đất. Là “địa chỉ đỏ” cho con dân đất Việt hội về.

Cung đàn đã lên dây, lời then, tiếng tính chảy tràn trên một miền di sản. Mong một ngày không xa, những cư dân sống ở Điềm Mặc (Định Hóa) sẽ có nhiều lợi ích  từ tham gia làm du lịch.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chuẩn