CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Gà đồi Phú Bình

Gà đồi Phú Bình
Thái Nguyên không chỉ được biết đến là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của khu vực trung du miền núi phía Bắc mà đây còn là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm gắn liền với tên địa danh như chè Tân Cương, Trại Cài, La Bằng..., ổi Linh Sơn, dưa chuột nếp Phú Bình, gạo bao thai Định Hóa, bánh chưng Bờ Đậu, nem chua Đại Từ, nem bùi Phú Bình, miến Việt Cường... và sản phẩm chăn nuôi đầu tiên được bảo hộ: “gà đồi Phú Bình”.

 “Tiếng rằng chè Thái, gái Tuyên

     Níu chân du khách mọi miền gần xa

Bây giờ sản phẩm gà nhà

     Nổi danh thương hiệu quê ta Phú Bình”

Câu ca ấy mời gọi chúng tôi về với Phú Bình - một trong những địa phương nuôi gà trọng điểm của miền Bắc nước ta, nơi cung cấp một lượng lớn gà thịt, trứng gà cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Những năm qua, phát huy lợi thế của một huyện có nhiều đồi núi thấp, Phú Bình đã phát động phong trào chăn nuôi gà đồi với giống địa phương, chăn nuôi dưới tán cây rừng và cây ăn quả. Phong trào nuôi gà đồi phát triển mạnh tạo ra vùng sản xuất tập trung với rất nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, số lượng đàn gà lên tới hơn 3 triệu con. Gà đồi Phú Bình với các giống chủ lực là Gà Ri vàng rơm, gà lai Mía, gà J- Dabaco, gà Lai Chọi... được chăn thả trên đồi nên rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt và được đánh giá là có ngoại hình đẹp, thịt chắc, thơm ngon, trứng gà có tỷ lệ lòng đỏ cao, được nuôi theo đúng quy trình sinh học nên rất tốt và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Năm 2014,Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận số 235100 đăng kí nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Với mục tiêu phát triển gà đồi bền vững, huyện Phú Bình đang tích cực đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh và  nâng cao chất lượng đàn gà, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi gà đồi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quản lý tốt nhãn hiệu sau khi được công nhận.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công tạc trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Gà đồi Phú Bình" (Ảnh: Minh Ngân)

Chúng tôi đến Tân Khánh, một trong những xã chăn nuôi gà lớn nhất ở huyện Phú Bình và rất phấn khởi khi chứng kiến người dân nơi đây tích cực hưởng ứng việc xây dựng và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm “gà đồi Phú Bình”. Các hộ chăn nuôi đều nắm chắc quy trình để sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của sản phẩm đối với từng loại như: sản phẩm gà giống, gà thịt, thịt gà đã chế biến và thực phẩm làm từ thịt gà.  Vì vậy mà sản phẩm “gà đồi Phú Bình” được các thương lái thu mua đánh giá cao về chất lượng. Mới đây, mô hình chăn nuôi gà đồi sử dụng men sinh học được áp dụng tại Hợp tác xã chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh ở xã Tân Khánh (Phú Bình) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sắp tới, mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững này sẽ được nhân rộng trên địa bàn.

  Để phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh của vùng đồi thấp, các hộ chăn nuôi gà đồi huyện Phú Bình đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền chăn nuôi phát triển bền vững. Nếu như trước đây, gà chủ yếu được bán cho các thương lái trên địa bàn và một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn thì năm nay, người chăn nuôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị, nhà hàng lớn như: siêu thị Big C Hà Nội, nhà hàng 555 và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tại Hà Nội với hợp đồng thu mua số lượng lớn. Hiện Phú Bình đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “gà đồi Phú Bình”. Đồng thời, tiến hành đăng kí nhãn hiệu chứng nhận “gà đồi Phú Bình” tại các thị trường quốc tế để xuất khẩu sản phẩm trong thời gian tới.

Gà được nuôi trên đồi dưới những tán lá vải, keo xanh tốt (Ảnh: Minh Ngân)

Nhìn những đàn gà hàng ngàn con khỏe mạnh, chạy nhảy dưới tán lá những đồi keo, đồi vải xanh tốt, chúng tôi chợt nghĩ đến một hướng phát triển kinh tế mới cho mảnh đất Phú Bình tươi đẹp này.  Với lợi thế là một miền quê có phong cảnh hữu tình, nhiều di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội đặc sắc (đình, đền, chùa Cầu Muối - Tân Thành, đình Phương Độ - Xuân Phương, chùa Ha - Nhã Lộng...), nhiều làng nghề thủ công mĩ nghệ truyền thống (làng nghề mộc Phương Độ, (Xuân Phương), làng nghề mộc Phú Lâm (Kha Sơn), làng nghề mây tre đan Ngọc Lí (Tân Đức), nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng (dưa chuột nếp, gạo và tương nếp Thầu dầu, bưởi Nga My, trám Hà Châu) và ngày nay là sản phẩm chăn nuôi "gà đồi Phú Bình" nức tiếng muôn nơi, Phú Bình hoàn toàn có thể xây dựng mô hình kinh tế du lịch dựa trên sự kết hợp của du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch làng nghề và tham quan, mua sắm các sản phẩm của làng nghề, trải nghiệm cuộc sống thú vị ở các nông trang, thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ thực phẩm sạch của địa phương, tạo ra sự thoải mái, thư giãn và thú vị cho du khách khi đến với Phú Bình.

Đến với Thái Nguyên hôm nay, du khách hãy ghé thăm mảnh đất Phú Bình tươi đẹp, trù phú, cùng nhâm nhi chén trà thơm ngát và thưởng thức các món ăn hấp dẫn từ đặc sản địa phương, đặc biệt là gà đồi Phú Bình, trong tình cảm chân thành, mộc mạc, thân thiện của người dân nơi đây. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm rất thú vị trong chuyến hành trình tới miền đất trung du nửa đồng nửa núi yêu dấu này.

Tác giả bài viết: Minh Ngân