CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thái Nguyên – Những điểm đến ý nghĩa đầu xuân

Thái Nguyên – Những điểm đến ý nghĩa đầu xuân
Những ngày đầu xuân mới, các địa danh của vùng Việt Bắc nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng luôn là một trong những điểm đến đầy ý nghĩa trong chuyến du xuân của du khách. Đến với Thái Nguyên trong dịp này, bên cạnh khám phá văn hóa truyền thống và không khí lễ hội, du khách còn được tri ân các bậc tiền nhân khi tìm về những di tích, nơi ghi dấu lịch sử hào hùng của dân tộc trên quê hương cách mạng.

Vãn cảnh, du xuân ở một không gian linh thiêng trên quê hương cách mạng ATK Định Hóa đã trở thành nét mới, nghĩa cử đẹp thể hiện sự tri ân đối với cha anh, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc trong dịp đầu năm mới.

Trở về chiến khu xưa nơi có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, dâng lên Bác nén tâm nhang thành kính, tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu, người cha của Quân đội Nhân dân Việt Nam; anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất giữa “Thủ đô kháng chiến”. Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De, một công trình trang nghiêm với lối kiến trúc truyền thống cổ kính, được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2005). Công trình được xây dựng trên đỉnh đèo De, mặt hướng về phía đông bắc, bốn bên đều có núi bao bọc. Từ tứ trụ lên tới tam quan là 115 bậc gắn với 115 năm ngày sinh của Bác. Từ tam quan lên tới nhà tưởng niệm là 79 bậc gắn với 79 mùa xuân của Người. Hai bên là 2 hàng tùng tháp chạy song song như 2 hàng tiêu binh đứng canh giấc ngủ cho Người...

1111
Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De. Ảnh: Đức Chính.

Đến đây, du khách còn được thăm các di tích - Nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ đã sống và làm việc những năm 1947-1954. Đặc biệt, nếu đến đây vào dịp mồng 10 tháng Giêng, du khách sẽ được tham dự Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội Xuống Đồng) của dân tộc Tày, cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi cũng như tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây như tung còn, bịt mắt bắt dê, đi cà kheo, bắt trạch trong chum…

Trong tiết xuân ấm áp, du khách thường tìm về Khu di tích lịch sử quốc gia lưu niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915, thuộc phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên thành kính thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái khi đang làm nhiệm vụ vào đêm Noel máu lửa năm 1972.

Di tích quốc gia lưu niệm thanh niên xung phong Đại đội 915 Gia Sàng Đức Quân
Khu di tích lịch sử quốc gia lưu niệm Thanh niên xung phong
Đại đội 915. Ảnh: Nam Đan.

Đến với di tích, du khách không chỉ dâng hương tưởng nhớ 60 thanh niên xung phong tại nhà tưởng niệm mà còn được tham quan không gian trưng bày trong khu di tích với gần 350 hiện vật, tài liệu, tư liệu nhằm tái hiện cuộc sống khó khăn, chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong. Những tài liệu, hiện vật đã tạo ra niềm xúc động lớn đối với du khách tham quan. Không chỉ có người dân Thái Nguyên, ngày càng đông du khách thập phương đến với điểm di tích này trong dịp năm mới.

Đến với Thái Nguyên dịp đầu xuân này, du khách không nên bỏ qua một điểm đến vô cùng ý nghĩa đó là Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7, thuộc tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khu di tích có tổng diện tích 21.072 m2 với khuôn viên rộng bao gồm: Nhà tưởng niệm, cổng tam quan, sân hành lễ, dưới gốc đa có tấm bia đá hình nón vân mây trắng cao hơn 3m, rộng 3m, nặng gần 7 tấn có khắc dòng chữ, đánh dấu sự ra đời của ngày thương binh liệt sỹ của cả nước (27/7/1947). Trong khuôn viên của Khu di tích còn có Nghè Ông - thờ vị tiến sỹ Đồng Doãn Khuê (Đồng Doãn Giai) sinh tại làng Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại từ, đỗ tiến sỹ năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông; Nghè Bà - thờ hai vị Công chúa Mai Hoa, Quế Hoa. Theo truyền thống vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, nhân dân nơi đây lại tưng bừng mở hội Nghè, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Khu di tích 277 Đại Từ Đỗ Tuấn
Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 tại huyện Đại Từ. Ảnh: Nam Đan

Hiện, Khu di tích đã rước chân nhang liệt sỹ tại một số nghĩa trang lớn của cả nước về thờ phụng. Nếu như đền Hùng, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ vua hùng đã có công dựng nước thì có thể coi Khu di tích  lịch sử Quốc gia 27/7 là nơi thờ những người anh hùng đã có công giữ nước. Bởi vậy mỗi dịp tết đến xuân về người dân Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận tìm về nơi này rất đông để thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc.

Ngược dòng thời gian trở về với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các bậc tiền nhân, đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm thuộc xã Động Đạt của huyện Phú Lương, là nơi thờ danh nhân lịch sử Dương Tự Minh - Người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý. Lễ hội Đền Đuổm là một lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên nhân dịp đầu xuân, mở hội chính thức vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được kéo dài từ ngày 30  tháng chạp (tết âm lịch) đến hết tháng giêng âm lịch thu hút đông đảo du khách thập phương.

1
Lễ hội Đền Đuổm là một lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên nhân dịp đầu xuân. Ảnh: Nam Đan

Đến với hội xuân Đền Đuổm, du khách không chỉ được tưởng nhớ tới công lao của Đức thánh Dương Tự Minh, cầu an khang, thịnh vượng, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ mà còn được tìm hiểu và thưởng thức  những món ăn đặc sản của địa phương, điều này đã làm hài lòng biết bao du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên.

Mùa xuân này, đến với Thái Nguyên, trải nghiệm những không gian đậm đà bản sắc văn hóa vùng Việt Bắc, tham gia vào các lễ hội mùa xuân để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân và hướng tâm đến những điều tốt đẹp, bởi uống nước nhớ nguồn mãi mãi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta tự bao đời.

Tác giả: Quang Minh