Du lịch Hồ Núi Cốc: Một hành trình khám phá
- Thứ ba - 28/06/2016 10:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 15km về phía tây nam, băng qua con đường nhỏ như dải lụa ôm lấy núi non, hai bên đường là những đồi chè Tân Cương mênh mông xanh mướt mát một vùng chè đặc sản của Thái Nguyên và những bản làng bên núi, sẽ đưa du khách đến với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc. Về đây du khách sẽ được hòa mình cùng thiên nhiên bỏ lại những náo nhiệt của thành phố với những căn nhà cao tầng nhuốm màu bụi bặm.
Hồ Núi Cốc không phải là một hồ nước tự nhiên, nó được tạo ra khi đập ngăn dòng sông Công được xây dựng. Tạo hóa thật tài tình, hồ là thành quả lao động của rất nhiều bộ đội, nhân dân đặc biệt là các thế hệ học sinh, sinh viên những năm 70 của thế kỷ XX. Giờ đây Hồ Núi Cốc đã khoác lên mình một diện mạo mới do bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của những nghệ nhân. Nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, một phong cảnh hữu tình, có sự hòa hợp giữa mây trời, non nước và những bản làng yên ả.
Cổng vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc, ảnh: Văn Dũng
Nhắc đến Hồ Núi Cốc là nhắc đến một huyền thoại lay động lòng người. Bởi vậy khi du khách đến đây chắc chắn sẽ được hướng dẫn viên dẫn vào thăm quan Huyền Thoại Cung. Huyền Thoại Cung là một hệ thống hang động nhân tạo phía ngoài cổng vào là tượng nàng Công, chàng Cốc, bên trong là dòng sông nhỏ nhân tạo tượng trưng cho nước mắt của nàng Công chảy vòng quanh động, bề ngoài Huyền Thoại Cung nhìn như một dãy núi. Du khách có thể ngồi trên phao bơi vòng quanh cung ngắm nhìn khung cảnh sinh động, huyền bí, thơ mộng. Tại nơi đây vẻ hoang dã, nguyên sơ cùng những khoảng thiên nhiên đầy huyền thoại để cho những tâm hồn đa cảm thỏa sức mơ mộng về mối tình đậm nước mắt của nàng Công, chàng Cốc.
Rời Huyền Thoại Cung mời du khách đến với Động Âm Phủ, nơi đây được xem là một hang động lớn, huyền bí nhất trong quần thể hang động ở danh thắng Hồ Núi Cốc. Địa ngục A Tỳ là nơi mà ai cũng phải trải qua với ý nghĩa trả lại tội lỗi của mình đã gây ra trên trần gian. Động Âm Phủ chính là mô phỏng dựa trên ý nghĩa đó. Tại đây du khách được thăm thú chốn tâm linh vừa ly kỳ nhưng cũng đầy lý thú. Chốn địa ngục hiện lên thật sinh động với những hiệu ứng hiện đại khiến du khách có những trải nghiệm bất ngờ và thú vị, đồng thời mang ý nghĩa sâu sắc nó nhắc nhở mọi người hãy sống làm sao đừng gây ra tội lỗi để khỏ phải rơi vào chốn địa ngục âm ti.
Tiếp đến là khu vui chơi, đến đây du khách được thỏa sức thả mình vào những trò chơi hiện đại và cũng không kém phần hấp dẫn. Công viên nước nằm trong lòng khu vui chơi, là công viên nước thứ 2 được xây dựng ở miền Bắc sau công viên nước Hồ Tây. Công viên nước Hồ Núi Cốc có những công trình dịch vụ hấp dẫn du khách như vườn cau ao cá, bể bơi, đường trượt, tượng cá chép, cá heo…Bể có bề rộng 350m2, một nửa dành cho thanh niên, một nửa dành cho thiếu niên, có bể nước sâu, phía trên mắc 2 đường cáp, một cầu nhảy xuống nước sâu 2,85m và có 4 đường trượt bên hai tượng cá heo phun nước. Trong khuôn viên hồ nước còn có các mô hình sinh động của hoa sen, nàng tiên cá, cây cảnh… Hệ thống nước xuất phát từ một bể mang hình con voi khổng lồ.
Công viên nước, ảnh: Đỗ Tuấn
Ảnh: Đỗ Tuấn
Sau khi vui chơi thỏa thích trong công viên nước du khách sẽ đến với khu động vật hoang dã. Khu này là một vườn rừng rộng gần 1ha đã được san mặt bằng để xây dựng. Ở đây có nhiều động vật hoang dã như: Đà điểu, cá sấu, hươu, khỉ…Đặc biệt đến đây du khách được tham gia dịch vụ câu cá sấu… để cảm nhận được những cảm giác thật mới lạ.
Tại Hồ Núi Cốc vào buổi tối du khách sẽ có cơ hội thăm quan sân khấu nhạc nước ngoài trời với lung linh sắc màu huyền ảo với công nghệ hiện đại, đây thực sự là một bữa tiệc đầy màu sắc.
Sân khấu nhạc nước, ảnh: Nguyễn Minh
Rời công viên với những trò chơi thú vị, du khách sẽ lên thăm chùa Thác Vàng, một địa điểm du lịch tâm linh tại Hồ Núi Cốc. Chùa được thiết kế với màu vàng là chủ đạo nên được người dân gọi với cái tên thân thuộc là chùa Vàng. Đến đây du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một công trình cao lớn, uy nghi đó là bức tượng phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ, cao 45m, vàng rực dưới nắng. Đây là pho tượng rỗng trong lòng tượng phật là ngôi chùa có tên Thác Vàng với ý niệm trong chùa có phật, trong phật có chùa. Công trình này là một điểm nhấn trong Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Chùa Thiêng Thác Vàng, ảnh: Nguyễn Minh
Hồ Núi Cốc rộng 25km2 với 89 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong lòng hồ. Các đảo đã được phủ kín rừng trồng xanh tốt. Mỗi một hòn đảo lại mang trong mình những sắc thái và cái tên gọi khá độc đáo như: Đảo Cỏ, đảo Dê, đảo Chùa ( nơi dựng đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn), đảo Cái…
Một góc Hồ Núi Cốc, ảnh: Văn Dũng
Cái thú nhất khi đến Hồ Núi Cốc là được đi du thuyền. Tại đây du khách có thể thuê thuyền lớn với sức chứa 30 – 40 người để du ngoạn ngắm thiên nhiên trong lòng hồ, nghe hướng dẫn viên kể truyện nàng Công, chàng Cốc… đắm mình trong bài hát “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” để cảm nhận sâu hơn vẻ đẹp của đất trời, non nước nơi đây. Nếu du khách muốn thưởng thức một cảm giác mạnh hơn, muốn khám phá Hồ núi Cốc trong một hành trình ngắn hơn thì hãy chọn cho mình một chuyến xuồng cao tôc.
Du thuyền trên Hồ Núi Cốc, ảnh: Văn Dũng
Đến với Hồ Núi Cốc là đến với một hành trình khám phá, khám phá cảnh quan, văn hóa, sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của con người nơi đây; đến với những con người Thái Nguyên thân thiện, hiếu khách của một vùng đất sơn thủy hữu tình nhuốm màu huyền thoại.
Nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành một quần thể du lịch mang tầm quốc gia; hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; đưa Thái nguyên không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn trở thành trung tâm điều phối du khách cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vừa qua, ngày 17/02/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc thành Khu du lịch Quốc gia do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư của Dự án là 15.000 tỷ đồng. Đây là Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái nguyên cũng như cả nước. Hy vọng khi đi vào hoạt động, Khu du lịch Hồ Núi Cốc sẽ là khu du lịch độc đáo, hiện đại và là lá phổi xanh trong bảo vệ môi trường của vùng Thủ đô Hà Nội. Đây cũng sẽ là quần thể du lịch văn hóa mang tầm quốc tế, là điểm nhấn quan trọng để quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy du lịch Thái nguyên ngày một phát triển./.