CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Du lịch Cửa Tử - mời gọi bước chân những người ưa khám phá

Du lịch Cửa Tử - mời gọi bước chân những người ưa khám phá
Cửa Tử, cái tên gợi lên sự nguy hiểm có thể khiến người nghe rùng mình và chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao nơi này lại được mệnh danh là Cửa Tử? Để tìm được đáp án cho câu hỏi này, chúng tôi đã thực hiện một chuyến hành trình khám phá địa danh mang cái tên độc đáo và lạ lùng ấy vào một ngày nắng đẹp đầu hè.

 

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, theo quốc lộ 37 qua thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ chừng 9km rẽ trái vào xã Hoàng Nông, (có biển chỉ dẫn) một xã nằm ở phía tây của huyện, ranh giới giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Phong cảnh hai bên đường đi đẹp như một bức tranh: Dọc theo tuyến đường liên xã, chúng ta  có thể ngắm nhìn dãy Tam Đảo như một bức trường thành lam sẫm; xen kẽ giữa đồi núi là những dải đồng bằng nhỏ hẹp với cánh đồng rau màu và những  thửa ruộng bậc thang đẹp mắt; những đồi chè uốn lượn đang trổ những búp xanh non mơn mởn. Cả một vùng quê yên ả, thanh bình hiện ra trước mắt. Qua UBND xã Hoàng Nông khoảng 5km, rẽ trái xuống một đường đất nhỏ, nhấp nhô những đá và ổ gà khá khó đi khoảng hơn 1 km là đến lối vào Cửa Tử. Gửi xe tại một nhà dân gần đó, đi bộ khoảng vài trăm mét, một dòng suối nhỏ len mình chảy qua những tảng đá lớn nhỏ lô nhô hiện ra trước mắt.

Khu vực dịch vụ gửi xe, gửi đồ, vệ sinh và thuê dép của du khách trước khi vào Cửa Tử (Ảnh: Mai Sinh

Dòng suối nhỏ len mình giữa hai khe núi xanh tươi (Ảnh: Mai Sinh)

Cửa Tử (còn gọi là kẹm Hoàng Nông) là một đoạn suối có cảnh quan đẹp của suối Cái, một dòng suối nhỏ chảy từ dãy Tam Đảo xuống rồi chảy dọc theo chiều dài của xã Hoàng Nông và đổ vào dòng sông Công. Nơi đây đã được UBND huyện Đại Từ quy hoạch vào một trong những địa danh du lịch sinh thái của huyện - một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là những ngày nắng nóng.

Dòng suối nhỏ nước trong vắt nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi cao vút, càng đi nước càng sâu và chảy xiết, những tảng đá cũng trở nên trơn trượt hơn. Rồi một vụng nước lớn, trong vắt nằm giữa hai vách đá thẳng đứng, trơn tuột như một cánh cổng cao lớn xuất hiện. Có lẽ vì thế mà người ta gọi đây là “Cửa Tử” chăng? Nhưng với chúng tôi, sau một đoạn đường khá dài cẩn thận bước qua từng tảng đá thì đây chính là nơi nghỉ chân, đắm mình trong làn nước mát và thỏa thích bơi lội, nô đùa.

Vụng nước lớn, trong vắt là nơi lí tưởng để nghỉ ngơi, bơi lội, nô đùa (Ảnh: Minh Ngân)

Những thử thách thực sự xuất hiện khi vừa qua vụng nước sâu thì những tảng đá khổng lồ lù lù hiện ra chắn đường. Nhờ có chiếc thang do người dân gần đó tự bắc thì chúng tôi mới leo qua được những tảng đá này. Đoạn suối tiếp sau đầy những ghềnh đá, phiến đá lớn nhỏ đủ mọi hình dạng, kích cỡ nằm ngổn ngang. Dòng nước lúc len lỏi qua các khe đá, lúc ào ào đổ xuống như những con thác nhỏ. Nhiều tảng đá trơn trượt mà nếu không cẩn thận sẽ rất dễ sảy chân. Có những tảng đá bị nước bào mòn nhẵn nhụi và tạo thành những hình thù kỳ dị, trông rất lạ mắt.

Dòng nước ào ào đổ xuống như những con thác nhỏ (Ảnh: Nguyễn Hảo)

Càng đi sâu, núi rừng càng trở nên hoang vắng, âm u, chỉ nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng gió rì rào trên những cây cổ thụ vươn những chiếc rễ to xù xì theo dòng nước.

Đi một quãng, hai “Cửa Tử” nữa xuất hiện. Giống như những người anh em sinh đôi, mỗi “Cửa Tử” đều là một vụng nước nằm giữa hai vách đá thẳng đứng. Đi thêm một đoạn dài, mọi người đều thấm mệt nhưng quyết tâm đi đến đầu nguồn con suối giúp chúng tôi có thêm động lực. Và chẳng bao lâu sau, lại xuất hiện một “Cửa Tử” nữa nhưng lần này vách đá cao hơn, vụng nước cũng sâu hơn và cũng chính là nơi thác nước đầu tiên của dòng suối đổ xuống.  Từ xa đã nghe tiếng ầm ầm của thác nước như một bản hùng ca vang lên giữa núi rừng. Dòng nước trắng xóa từ trên cao hơn chục mét tuôn xuống vụng nước, hơi nước bốc lên mù mịt. Nước mát lạnh. Xung quanh, trên những vách đá rêu phong phủ kín, những thân cây rừng bám rễ chằng chịt. Tất cả tạo nên một cảnh tượng thật hùng vĩ, tráng lệ.

 

Con thác tung bọt trắng xóa, nơi bắt đầu dòng suối (Ảnh: Nguyễn Hảo)

Ngồi lại nơi đây, ngắm nhìn cảnh vật, hít thở không khí mát dịu, trong lành, đốt lửa, nướng thịt rừng, ăn cơm nắm và nghe người dân nơi đây kể về truyền thống chống giặc ngoại xâm của quê hương Hoàng Nông. Chuyện kể rằng, bộ đội địa phương đã dùng kế đánh giặc của người xưa, nhử địch đi ngược dòng suối Cái, cảnh đẹp của núi rừng nơi Cửa Tử đã làm cho kẻ thù mê mẩn mà quên đi nhiệm vụ và bộ đội ta thừa cơ tiêu diệt, lập bao chiến công nơi Cửa Tử này…

Người ta còn truyền nhau một câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung và mạnh mẽ của một đôi trai gái từ thời phong kiến theo tiếng gọi của trái tim đã thề nguyền bên dòng suối trong mát về một tương lai hạnh phúc lứa đôi. Thế nhưng, vì quan niệm của xã hội phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà họ bị chia rẽ. Họ đã nắm tay nhau cùng đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to, họ cứ đi đi mãi thề nguyền sống chết có nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc muôn đời nơi núi rừng hoang vu bên dòng suối mát,  mặc cho người đời ngăn cản, can ngăn: “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử”. Có lẽ đến đây, bạn đã có nhiều câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao nơi này mang tên “Cửa Tử”?

  Nếu có dịp đến thăm Thái Nguyên, hãy một lần đến nơi đây để thưởng thức cảnh đẹp hoang sơ nơi chân núi rừng Tam Đảo, khám phá khả năng của bản thân bằng việc chinh phục thử thách đặt ra bởi “Cửa Tử”, ngắm nhìn sự kỳ lạ của dòng thác nơi đầu nguồn và nghe kể những câu chuyện li kì, hấp dẫn để thấy thêm yêu quê hương đất nước mình, yêu những vùng đất hoang sơ, mời gọi bước chân những người ưa khám phá.

                                                               

Tác giả bài viết: Mai Sinh