CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Đôi điều về Di tích Nhà tù Chợ Chu

Đôi điều về Di tích Nhà tù Chợ Chu
Di tích Nhà tù Chợ Chu nằm ở xóm Vườn Rau, Thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, đồng thời là biểu tượng sinh động về sự mưu trí, tinh thần chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ cách mạng năm xưa.

 

Theo các tài liệu lịch sử, khi thực dân Pháp chiếm đóng Định Hóa, chúng bắt đầu cho xây dựng đồn Chợ Chu và được củng cố dần đến năm 1920 thì hoàn chỉnh. Song song với việc làm đồn bốt, giặc tiến hành xây dựng nhà tù để giam cầm những người chống đối. Năm 1913, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng một nhà tù cấp tỉnh, có thể giam giữ 80-100 người, địa điểm ngay sát đồn Chợ Chu. Ban đầu nhà tù làm bằng tre, gỗ đơn sơ để giam thường phạm. Sau vụ nổi dậy giết cai ngục, cướp vũ khí chạy vào rừng của những người tù vào đêm 27, rạng sáng 28-8-1922, Pháp tiếp tục mở rộng nhà tù, xây kiên cố hơn, hầm giam có thể nhốt đến 200 người. Thực dân Pháp tin rằng, Chợ Chu là chốn “rừng thiêng, nước độc” nên nhốt tù ở đây an toàn nhất, nếu có trốn khỏi trại giam thì không chết đói cũng bị thú dữ ăn thịt.

Một góc Khu di tích Nhà tù Chợ Chu, ảnh: Nhị Hà

Tháng 6/1943, 100 tù chính trị ở Nhà tù Sơn La bị dồn về giam ở đây, trong đó có 15 đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó, một chi bộ Đảng Cộng sản trong tù được hình thành. Do cài được người vào hàng ngũ binh lính địch, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu thường xuyên được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong tù, các chiến sỹ Cộng sản đã biến Nhà tù thành trường học, nghiên cứu lý luận Mac–Lênin, học tập phương thức tổ chức, lãnh đạo cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Tại đây các chiến sỹ Cộng sản ở Nhà tù Chợ Chu cho ra đời Báo “Thông Ngàn” và xây dựng các màn kịch có nội dung yêu nước, tự hào dân tộc, các bài ca cách mạng để động viên các chiến sỹ cộng sản, những người yêu nước bền gan đấu tranh, chờ thời cơ thuận lợi để vượt ngục ra ngoài hoạt động.

Ngày 11/10/1944, 12 đảng viên tại Nhà tù chợ Chu đã vượt ngục thành công, trở về các địa phương tiếp tục phong trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa dành chính quyền tháng 8/1945. Đó là các đồng chí Song Hào, Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Hoàng Bá Sơn, Lê Trung Đình, Vũ Phong, Nhị Quý, Trần Tùng, Chu Nhữ, Nguyễn Cao và Phạm Ngọc Bổng… 

Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Nhà tù Chợ Chu đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia tại Quyết định số 253- Bộ VHTT ngày 25/12/1998.

Quang Minh