Đình Phương Độ - Một đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật thời Lê
- Thứ năm - 22/03/2018 12:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đình Phương Độ, tên chữ là Úc Tân đình, được dựng vào thời Lê, là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật thời Lê lớn nhất tỉnh Thái Nguyên còn lại đến ngày nay. Đình ban đầu dựng gần bờ sông, đến năm 1901, được chuyển vào giữa làng như vị trí ngày nay. Những nét kiến trúc đặc trưng từ thời Lê đến nay vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn.
Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Đình Phương Độ là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Làng Phương Độ là một trong những làng cổ điển hình của vùng trung du Bắc bộ còn bảo tồn được một quần thể di tích lịch sử văn hoá như: đình, chùa, nghè, miếu và nhà thờ họ. Trong làng Phương Độ có nghè Trên, nghè Dưới. Đình nằm ở giữa làng, còn hai Nghè ở hai bên, dân địa phương vẫn thường gọi nghè đầu làng là ‘Nghè trên”, ở cuối làng là “Nghè dưới”. Ngay phía sau đình là ngôi chùa cổ, tên chữ là “Úc Tân tự”, tạo nên một quần thể văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Cây đa cổng phía bắc làng là cây đa cổ thụ lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Thái Nguyên.
Đình Phương Độ là ngôi đình cổ lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở Thái Nguyên, đồng thời di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng cũng là một trong những loại hình kiến trúc đặc trưng của Việt Nam. Đình thờ Thành Hoàng của làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương, tức Dương Tự Minh, một phò mã thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương phía Bắc đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay…
Đình nằm ở nơi cảnh quan đẹp "Trên bến dưới thuyền", ở địa thế “không gian đế vương” bên bờ sông Cầu, với cây đa cổ thụ trải bóng mát u tịch thâm nghiêm. Đây là ngôi đình mang kiến trúc độc đáo thời Lê với hệ thống cột cái, cột quân, xà… làm bằng gỗ lim. Từ xa, nhìn vào khu đình là nơi thờ tự cổ kính nổi bật. Mái đình lợp ngói mũi, 4 góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Hướng của đình quay phía Tây, trước cổng đình là ao bán nguyệt, xung quanh có tường xây bao bọc. Đình được dựng lên bởi 48 cột, các cột và hầu hết các vật liệu làm đình đều làm bằng gỗ lim, nhiều thế kỷ trôi qua vẫn giữ được màu đen bóng.
Đình làng có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói múi, bốn gốc mái bằng gỗ cong vút, các cột bằng gỗ lim chuyển từ trong Thanh Hóa ra, ván lát xung quang được chạm trổ các bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) rất khéo léo công phu.
Gian chính của đình, là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương án trang trọng lộng lẫy, gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình, có Cửa Vọng được sơn son thiếp vàng. Phía trong Nội Cung, đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy”, thể hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính, còn có câu đối, các bức tranh, bộ bát cửu… được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Trên nóc mái đình được trang trí theo kiểu "Lưỡng long chầu nguyệt" đạt trình độ nghệ thuật cao. Ở trong đình: trên, dưới các đầu trụ, câu đầu và xà ngang, dọc đều được trang trí hoa văn, trạm trổ các bộ "Tứ linh", nét nghệ thuật tiêu biểu thời Lê công phu, khéo léo. Các đồ vật trong đình như: Kiệu, bát hương, mâm ấn, hương án... đều được trang trí và được trạm trổ những nét hoa văn tinh tế.
Trong đình, hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án của cuối thời lê Đầu Thời nguyễn; Bát hương sành cổ (thời Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án… được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.
Không chỉ về kiến trúc, mà nghệ thuật đình phương Độ vẫn còn giữ được dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính, nét đặc trưng riêng có. Di tích Đình Phương Độ là di tích quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật điêu khắc. Truyền thuyết và lễ hội đình Phương Độ thực sự trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tự ngàn xưa của nhân dân vùng Phú Bình.