Đình Bằng Cầu – nơi ghi dấu lịch sử
- Thứ năm - 09/08/2018 12:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đình được trùng tu vào các năm 1964,1971 và 2007. Đình có 1 gian, 2 chái, tường hồi bít đốc. Bàn thờ nằm chính giữa thờ 2 vị thần là Cao Sơn và Quý Minh có công đánh giặc ngoại xâm, giữ nước thời các vua Hùng.Tiền tế đình gồm 1 gian 2 dĩ góc mái đóng đao cong, nóc đắp lưỡng long chầu mặt trời bốc lửa. Hai cánh gà tiền tế đình có đắp 2 lính canh vẻ uy nghiêm. Hậu cung rộng 10m2 được xây bình đầu bít đốc, mái lợp ngói vảy rồng.
Đình Bằng Cầu hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa như: 1 hương ước của làng, 1 bia đá, một cây hương đá không khắc chữ, 3 sắc phong thời Tự Đức, Duy Tân và Khải Định; 3 bản dịch sắc phong, 3 bát hương cổ, 29 pho tượng cổ, 1 quả chuông...
Không những vậy, Đình Bằng Cầu có giá trị rất lớn về mặt lịch sử: Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939-1945), đình Bằng Cầu là địa điểm liên lạc bí mật của Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, đình và chùa là nơi đồng chí Bình Sơn và đồng chí Lê Phương về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng tại địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) đình Bằng Cầu được chọn làm nơi cất giữ quân lương, quân trang, vũ khí của quân đội; là nơi đóng quân của Đoàn 81 thuộc Liên khu 3 (1947-1948); là trụ sở của Ty lương thực tỉnh Bắc Giang (1949) và Văn phòng Ty Y tế tỉnh Bắc Ninh (1950-1952). Sau hòa bình lặp lại (1954), đình được dùng làm lớp bình dân học vụ.
Di tích đình Bằng Cầu (và chùa Pheo) đã được xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định số 228/QĐ-UBND, ngày 29/1/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm lễ hội tại đình được mở vào ngày 12 và ngày 13/10 âm lịch.
M.Đ