Di tích lịch sử Nhà tù Chợ Chu
- Thứ năm - 30/07/2020 03:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo các tài liệu lịch sử, khi thực dân Pháp chiếm đóng Định Hóa, chúng bắt đầu cho xây dựng đồn Chợ Chu và được củng cố dần đến năm 1920 thì hoàn chỉnh. Song song với việc làm đồn bốt, giặc tiến hành xây dựng nhà tù để giam cầm những người chống đối. Năm 1916, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà tù Chợ Chu. Ban đầu nhà tù làm bằng tre, gỗ đơn sơ để giam thường phạm. Sau vụ nổi dậy giết cai ngục, cướp vũ khí chạy vào rừng của những tù nhân tại Nhà tù Chợ Chu vào đêm 27, rạng sáng 28-8-1922; đồng thời, năm 1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, bị Pháp đàn áp, nhiều chiến sĩ cách mạng và nhân thân bị bắt về giam giữ ở Nhà tù Chợ Chu, do đó năm 1942, Pháp tiếp tục mở rộng nhà tù, xây kiên cố hơn bằng gạch, ngói, xi măng, hầm giam có thể nhốt đến 200 người. Thực dân Pháp tin rằng, Chợ Chu là chốn “rừng thiêng, nước độc” nên nhốt tù ở đây an toàn nhất, nếu có trốn khỏi trại giam thì không chết đói cũng bị thú dữ ăn thịt.
Tháng 8/1943 sau khi thả hết số tù cũ, thực dân Pháp đưa 100 tù chính trị từ Nhà tù Sơn La về Nhà tù Chợ Chu, trong số này có 15 đảng viên Đảng cộng sản, được tổ chức thành Chi bộ bí mật do đồng chí Trần Danh Tuyên làm bí thư, sau đó là đồng chí Song Hào và ủy viên Tô Quang Đẩu, Tạ Xuân Thu. Từ đó, một chi bộ Đảng Cộng sản trong tù được hình thành. Do cài được người vào hàng ngũ binh lính địch, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu thường xuyên được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ. Chi bộ Nhà tù Chợ Chu khôn khéo biến nơi này thành trường học cộng sản, tổ chức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, nắm bắt tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, lãnh đạo cách mạng … tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng bằng nhiều hình thức như nhân dịp ngày tết, ngày lễ, tổ diễn kịch lịch sử: Trọng Thủy - Mỵ Châu, Lê Hoàn trắng án và hát các bài ca cách mạng, quê hương đất nước, ra tờ báo Thông Ngàn … Vào khoảng đầu năm 1944, các đồng chí tổ chức tuyệt thực một tuần đòi giảm giờ làm, đảm bảo tiêu chuẩn ăn, không được đánh đập, được tự do xem báo chí, tiếp xúc với người nhà đến thăm, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Cuối năm 1944, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu đã nhất trí cử 12 đồng chí vượt ngục, còn lại tiếp tục hoạt động trong tù. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ ủy và tổ chức khôn khéo bí mật của các đồng chí trong tù, ngày 02/10/1944, 12 đồng chí đã vượt ngục thành công (Song Hào, Tô Quang Đẩu, Lê Hiến Mai, Hoàng Hữu Kháng, Nhị Quý, Tạ Xuân Thu…) trở về các địa phương tiếp tục phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa xung quanh Núi Hồng, huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang). Thành lập ra chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm Bí thư, tạo cơ sở quần chúng đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tân Trào (Sơn Dương) trực tiếp lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thành công.
Địa điểm di tích nhà tù Chợ Chu gồm: Khu quan đồn, khu lính và nhà tù. Hiện, toàn bộ khu vực đồn và nhà tù còn lại một số đoạn tường bao xây đá khối nguyên vẹn, lô cốt, nền nhà và sân… Di tích đã được đầu tư phục hồi, tôn tạo lại một số đoạn tường, lô cốt, khe đặt súng, bia ghi dấu sự kiện, danh sách 12 đồng chí vượt ngục thành công năm 1944, trồng cây xanh, tôn tạo đường lên, thu hút khách tham quan di tích.
Di tích Nhà tù Chợ Chu là bằng chứng về âm mưu, tội ác, chính sách đô hộ, kìm kẹp của thực dân Pháp, là biểu tượng về tinh thần đấu tranh hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong Cách mạng Tháng 8/1945 và sau này. Hiện nay, di tích Nhà tù Chợ Chu cùng với di tích thắng cảnh Chùa Hang đã trở thành tuyến du lịch thu hút du khách khi đến với ATK Định Hóa./.
Tác giả: Nguyễn Minh