CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc – Địa chỉ “về nguồn’ tại ATK Định Hóa

Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc – Địa chỉ “về nguồn’ tại ATK Định Hóa
Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa với 128 điểm di tích lịch sử, ghi dấu một thời hào hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Trong số các di tích đó có những di tích là địa chỉ về nguồn của các ban, ngành Trung ương như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Hội Nhà báo, Tổng cục Hậu cần... Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cũng là một trong những địa chỉ về nguồn như vậy.


Từ  đường tròn trung tâm thành phố Thái Nguyên theo quốc lộ 3 đi Bắc Kạn đến km 31, rẽ trái theo đường 254 vào ngã ba Quán Vuông, xã Trung Hội rẽ trái đi theo đường vào Khu di tích lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, đến ngã ba Bình Yên rẽ trái đến xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa là du khách đã đến với di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

lang luong 3
Bia di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện  Định Hóa
Ảnh: Đức Quân

Lịch sử ghi lại, đầu năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã khai giảng khóa học đầu tiênvà trở thành Trường huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng, đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng.

Địa điểm đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đặt tại Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, thuộc Chiến khu Việt Bắc được thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo đặc biệt công tác đào tạo cán bộ Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Lê Văn Lương, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng là Giám đốc đầu tiên của trường. Được biết, lúc đầu do nhà làm việc và nhà ở còn đang xây dựng nên cả cán bộ quản lý, giảng dạy và cả học viên vừa ở nhờ nhà dân ở xóm Làng Luông, đồng thời xây dựng nhà lán bằng cột gỗ, lợp cọ, vách liếp từ nhà hiệu bộ, các bộ phận hành chính, văn thư, giáo vụ, quản lý học viên, bếp ăn, hội trường lớp học. Thầy giảng dạy một số là giáo viên nhà trường còn lại là nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Đảng vụ Lê Đức Thọ, Bí thư Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Quyền trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng.

img 5738
Tái hiện khu nhà ở của học viên. Ảnh: Đức Quân

Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, giữa rừng đại ngàn chiến khu Việt Bắc, thầy trò trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của Đảng ủy, chính quyền xã Bình Thành và huyện Định Hóa vừa làm, vừa học, vừa xây dựng cở sở vật chất nhà trường, nhà hiệu bộ, lớp học, nhà lán nghỉ cho học viên, bếp ăn, sân tập luyện...  

Khóa II của nhà trường mở vào tháng 9 năm 1949, có 175 học viên. Từ nhiều Liên khu kháng chiến về học, có cả học viên người dân tộc H’mông ở Sơn La, người Tày, Nùng, Thái, Dao ở Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Vinh dự lớn cho khoá học là ngay buổi đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường. Người đã nói chuyện và ở lại buổi tối để cùng tham gia liên hoan, văn nghệ, ca múa cùng cán bộ, học viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi vào cuốn sổ vàng của trường, Người viết:

Học để :

 Làm việc

 Làm người

 Làm cán bộ

Học để phụng sự Đoàn thể

 Phụng sự giai cấp và nhân dân

Phụng sự  tổ quốc và nhân loại

Muốn đạt mục đích thì phải:

 Cần, kiệm, liêm, chính

 Chí công vô tư.”

Do phải đối phó với các cuộc bao vây, tấn công của giặc Pháp trong khi kháng chiến, kiến quốc, các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ, quân đội thường phải di chuyển địa bàn các huyện ATK tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, tháng 8 năm 1950 Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở xóm Làng Luông chuyển lên xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó trường phải chuyển địa điểm nhiều lần ở các huyện Yên Sơn và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, rồi đến huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông trước khi chuyển về Hà Nội.

Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, năm 2012, di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.

lang luong 1
Khu giảng đường. Ảnh: Đức Quân

Nhằm tôn tạo di tích đảm bảo trang trọng, tương xứng với tầm vóc lịch sử, tháng 3-2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện  Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc với kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Quy mô dự án rộng trên 9.000m2. Trong đó, các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà giảng đường, nhà ở học viên, nhà bếp được thiết kế trên cơ sở mô phỏng nguyên mẫu; nhà hội thảo, xem phim, trưng bày 2 tầng có kiến trúc kiểu nhà sàn. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2019, đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử đặc biệt nhằm hướng về cội nguồn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với các thế hệ đi trước và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ở địa phương đã che chở, bảo vệ an toàn bí mật tuyệt đối cho hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

lang luong 4
Hình ảnh bên trong lớp học. Ảnh: Đức Quân

Hiện nay, Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc thuộc quản lý của Ban quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa. Hàng ngày, tại đây luôn có hướng dẫn viên trực để đón và hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan di tích cũng như tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch vùng chiến khu Việt Bắc - ATK Định Hóa Thái Nguyên./.

Tác giả: Quang Minh