Đền Làng Vàng một điểm đến lý tưởng
- Thứ tư - 24/04/2019 07:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền ngự trên một khu đất rộng hơn 1.000m2, suốt 4 mùa cây cối tỏa bóng sum xuê, mát lành. Một số thầy địa lý đi qua vùng đất này đã nói: Đây là đất thuộc phần đầu rùa thần đang hướng về phía sông, mắt ngước nhìn đến chân trời là chính Tây, nơi mặt trời nghỉ ngơi. Chính vì thế mà khu đất này hội tụ nhiều linh khí đất trời. Còn với các nhà chuyên môn về du lịch cho rằng: Từ lâu, đền là một trong các điểm đến lý tưởng của tuor du lịch tâm linh. Từ thành phố Thái Nguyên, điểm đến đầu tiên của tuor có thể chọn là Khu Di tích lịch sử Thanh niên xung phong 915 (Gia Sàng) dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ; tiếp đến là đình Hùng Vương (Trưng Vương), nơi thờ tự, bái vọng các vị Vua Hùng; lên Chùa Hang (Kim Sơn Tự), thành phố Thái Nguyên và từ đây đi theo con đường nhựa liên xã đến khu vực Núi Voi, rẽ trái về xã Cao Ngạn, sẽ gặp một ngôi đền rêu phong cổ kính, bên cổng đền đề đôi câu đối: “Tu đạo hòa đời tăng thần lực/Hiệp tài tích đức đắc thiên năng”.
Thả bước trong khuôn viên Đền, cảm nhận một linh ứng phù trợ bởi gió mang hơi nước từ sông về, quyện lại với mùi cỏ, cây, hoa, lá làm nhọc mệt đường trường và mọi ưu, sầu, bi, lụy tan biến. Một mê lực dẫn dụ tôi về miền hoài niệm, với ao sen, giếng cổ, tháp 3 tầng và một bến đậu. Các bậc cao lão kể rằng: Từ nghìn xuân trước đây, bà Lý Chiêu Hoàng cùng đoàn tùy tùng viễn du ngược dòng Như Nguyệt (sông Cầu), khi qua đất này chợt thấy trời đất phong quang, cây cối xanh tươi, từng đàn chim líu lo gọi bạn. Bà lệnh sĩ, tốt cho thuyền neo lại bến, lên bờ nghỉ ngơi, thưởng ngoạn. Sau khi bà mất, nhân dân trong vùng đã lập đền bái vọng, tưởng nhớ ân điển của nữ hoàng. Từ bấy giờ, đền dựng 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung dùng để thờ cúng. Toàn bộ cột, kèo được làm bằng gỗ lim, kê trên chân tảng bằng đá xanh có hình tròn, đường kính rộng 50cm, xung quanh trang trí hình cánh sen; tường xây gạch vồ, mái lợp ngói vẩy, ở giữa mỗi viên ngói có in hình lá bồ đề. Hằng năm, nhân dân trong vùng tổ chức Lễ kỳ yên vào dịp đầu xuân (8-1 âm lịch); ngày rằm tháng bảy (Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ) và Lễ Tất niên vào ngày 8-12 âm lịch. Ngoài ra, vào các ngày mùng một, hôm rằm, nhân dân địa phương đều đặn đăng, đèn, oản, quả và nhiều phẩm vật kính lễ Đức Ngài.
Ông Nguyễn Văn Phúc, người được bà con trong vùng giao chủ trì bản đền, bản Hội; đồng thời là Trưởng Ban Trùng tu tôn tạo đền kể lại: Thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm ngôi đền xuống cấp, vào khoảng năm 1938, cụ Lý Đình Phạt cùng con cháu họ lý và nhân dân trong vùng đã công đức tiền của làm lại đền, sau đó giao cho cụ Ngô Văn Kế đảm nhiệm việc trông coi đền, đồng thời trực tiếp là người giúp nhân dân trong vùng thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Cụ Kế là một pháp sư, mang pháp danh là Tự Huyền Hoa, là người trông coi đền và thực hành nghi lễ tâm linh, cụ hướng cho người dân việc hành thiện, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Năm 1946, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Đền bị phá dỡ. Nhưng trước nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, cụ Vũ Thị Nấng (vợ pháp sư Tự Huyền Hoa) cùng 2 người con đẻ là Ngô Thị Vượng và Ngô Văn Yên đã tự dựng lại một đền nhỏ, ủy nhiệm việc đèn nhang cho cụ Ngô Tự Thỉnh, danh pháp là Tư Thỉnh từ những ngày đó đến nhiều năm sau này.
Năm 2013, trước thực trạng đền bị xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân trong vùng lần nữa cùng công đức, quyên góp tiền của để xây dựng lại ngôi đền trên nền nhà cũ, ngay dưới tán đa có niên đại hàng trăm năm tuổi. Năm 2016, Đền xây dựng hoàn thành cung chính đền, rộng 64m2, tạo thuận lợi cho việc người dân đến thực hành nghi lễ tín ngưỡng theo đạo pháp dân tộc. Hiện trong khuôn viên đền có 1 bia đá hình lục lăng mặt phẳng nhẵn, có chiều rộng khoảng 80cm, trên mặt bia khắc bông hoa hướng dương 16 cánh. Giữa có 1 hình tròn tượng trưng cho nhụy hoa. Tấm bia hiện chôn giấu ở gần 2 gốc cây ruối cổ. Ông Phúc cho biết thêm: Năm 2017, đền được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cung tiến nhiều tượng quý, như: Tượng Đức Phật tổ, Ngọc Hoàng, Tam Mẫu,… để nhân dân thờ tự. Cũng năm này, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp cho đền Làng Vàng Giấy chứng nhận là đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hoá truyền thống Việt Nam.
Bài và ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn