CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Chùa Sơn Dược – Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

Chùa Sơn Dược – Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử
Chùa Sơn Dược nằm ở xóm Chùa, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, có tên thường gọi là chùa Yên Thuận. Ngôi chùa này không chỉ lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị mà còn là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hoạt động chỉ đạo cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Xưa kia, chùa Sơn Dược thuộc làng Yên Thuận, xã Yên Thuận, tổng Thuận An, huyện Đại Từ, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Chùa có niên đại vào đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, chùa có kiến trúc đơn giản, nhà làm bằng gỗ, lợp gianh. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và sự phong hóa của thời gian, chùa đã bị xuống cấp và hư hại trầm trọng. Trước thực trạng đó, nhân dân địa phương và hàng nghìn phật tử đã nhất tâm công đức tiền của để trùng tu lại ngôi chùa. Sau 30 tháng thi công, ngày 26/10/2009, công trình đã hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng.

 

12022561 456961571179036 5767389667438517753 o

Quang cảnh chùa Sơn Dược (Ảnh: Thanh Mai)

Chùa Sơn Dược có kiến trúc khang trang, bề thế, gồm nhà tiền đường và thượng điện (gác chuông) đều có kiến trúc chồng diêm hai tầng, tám mái đầu đao cong vút. Bờ nóc và bờ chảy đều được đắp các con kìm, ở giữa nóc chùa có biển ghi ba chữ: “Sơn Dược tự”. Giữa tầng một và tầng hai có ghi: “Phật nhập tăng huy/Pháp luân thường chuyển/Nhật quang phổ chiếu”

Tuy chùa Sơn Dược được xây dựng lại nhưng hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị: Đó là bốn tấm bia đá và một quả chuông lớn. Tấm bia thứ nhất có kích thước 1,2m x 65cm, bia tạc đẹp, trên chóp và viền quanh bia có nhiều hoa văn. Bia được khắc cả hai mặt, một mặt chữ Hán, một mặt chữa Nôm. Mặt trước có hai mươi lăm dòng chữ, ước chừng có khoảng năm trăm chữ Hán, với nhan đề là: “Đồng chung bi ký” (bài ký đúc chuông đồng khắc trên bia), mở đầu bài ký cho biết địa danh: “Phú Bình phủ, Đại Từ huyện, Yên Thuận xã...”, sau đó bia khắc một bài ký dài nội dung luận về đạo Phật, khuyên con người nên làm điều thiện, diệt trừ cái ác để tu tâm, tích đức, hưởng phúc lộc. Mặt sau bia khắc niên đại: “Minh Mệnh thập niên” tức là bia dựng vào năm Minh Mệnh năm thứ 10 (1830). Tấm bia thứ 2 cũng khắc 2 mặt, ước chừng có gần một nghìn chữ Hán, cũng có tên “Đồng chung bi ký”, kích thước: 1,2m x 65cm khắc chữ cả hai mặt ghi họ tên, địa chỉ, người công đức tiền, ruộng để đúc chuông, trùng tu chùa vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1830). Tấm bia thứ 3 có kích thước nhỏ hơn 2 bia nói trên 90cm x 50 cm, chất liệu đá kém hơn, bia có rùa đội, nhưng đầu rùa cũng đã bị mất. Dựa vào phong cách nghệ thuật tạo tác tấm bia, người ta cho rằng tấm bia này có niên đại muộn vào thời kỳ nhà Nguyễn, toàn bộ nội dung văn bia đã bị mòn hết, chỉ còn một số chữ đầu đề của bia là “Hậu Phật bi ký”.                                                                                                                     

Trong chùa còn lưu giữ được 1 quả chuông đồng lớn cao trên 1m, chuông có bốn ô, bốn núm, quai được tạo dáng đúc hai con rồng đấu lưng nhau. Con rồng mang rõ phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn: bờm rậm, sừng dài, mắt lồi, tai thú trông khá dữ dằn. Trên thân chuông được trang trí hai lớp ô, lớp ô trên có năm đường viền, trong ô để trống không khắc chữ, lớp ô dưới nhỏ hơn có khoanh ở các góc hoa văn, miệng chuông để trơn không trang trí hoa văn. Trong bốn ô ở lớp trên có đúc nổi trong lòng hình lá đề bốn chữ Hán: “Sơn Dược tự chung” (Chuông chùa Sơn Dược). Nghiên cứu nội dung 2 tấm bia dựng năm 1830, chính là bài văn đã được khắc trên bia thay thế cho bài minh trên quả chuông này.

Chùa Sơn Dược thờ Phật, đồng thời là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nói chuyện với quân và dân địa phương năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh về làm việc với cán bộ và nhân dân về cải cách ruộng đất năm 1953 và những sự kiện gắn với hoạt động trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đông đảo nhân dân và du khách về dự lễ hội chùa Sơn Dược (Ảnh: Thanh Mai)

Hiện nay, chùa Sơn Dược tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với tổng diện tích là 600m2. Trước chùa, những cây đa, cây đề cổ thụ tỏa bóng sum sê. Đó cũng là minh chứng cho thấy đây là một ngôi chùa cổ – một di tích lịch sử, văn hoá có giá trị của nhân dân địa phương. Lễ hội chùa Sơn Dược được tổ chức long trọng vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, vãng cảnh và trảy hội.

Lễ rước kiệu trong lễ hội chùa Sơn Dược luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương (Ảnh: Thanh Mai)

Chùa Sơn Dược thuộc xã Bình Thuận, một xã nằm trong quy hoạch Vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc – vùng có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Đền Gàn (xã Vạn Thọ); Khu lưu niệm truyền thống tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 88 Tu vũ anh hùng (xã Tân Cương); di tích Chùa Thiên Tây Trúc - Lán Than (xã Quân Chu)… nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch dựa trên việc kết nối các tour, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa, tâm linh để tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách tham quan.

Tác giả bài viết: Thanh Mai