CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Chùa Ha – Một trong số ít những chùa cổ kính nhất tỉnh Thái Nguyên

Chùa Ha – Một trong số ít những chùa cổ kính nhất tỉnh Thái Nguyên
Chùa Ha tên chữ là Bà Ha tự ở làng Lộng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình. Đây là một trong số ít ỏi di tích chùa cổ kính nhất tỉnh Thái Nguyên còn sót lại. Chùa tọa trên một quả đồi thoải, rộng hơn 2,5ha, quanh chùa còn nhiều cây cổ thụ bản địa tạo nên một khung cảnh u tịch, nên thơ. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử mang phong cách nghệ thuật độc đáo qua các triều Lê – Nguyễn.

 

chùa Ha
Chùa Ha - Một trong số ít di tích chùa cổ kính nhất tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nam Đan

 

nhà thờ tổ chua Ha
Nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu trong khuôn viên Chùa Ha. Ảnh: Nam Đan

Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ công với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ Tổ, thờ Mẫu. Tòa tiền đường có 7 gian, dài 16m, rộng 5,5m. Tòa thượng điện có 4 gian, diện tích rộng 70m2. Nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu gồm 7 gian, diện tích 90m2. Tam quan có kiến trúc chồng diêm khá độc đáo. Tầng trên nhỏ hơn, tám mái lợp ngói mũi, các góc mái bằng gỗ với các đầu đao mái nhọn, cong vút. Toàn khối như bông sen khổng lồ, nhìn từ xa trông bề thế và uy nghi. Chùa Ha được trùng tu vào các năm 1716, 1889, 1991, 1994, 2002 và năm 2014. Tuy có sửa chữa nhưng không ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc gốc của chùa.

z2303540784510 f3f319c7662f32b5aeb8ecdcdb0dafba
Chùa Ha hiện còn lưu giữ được 28 cột đá.  Ảnh: Nam Đan

Trong chùa còn lưu giữ được 40 pho tượng cổ đường bệ, uy nghi, chất liệu gỗ và đất phủ sơn son thếp vàng. Các pho tượng được tạo dáng tỷ mỷ, công phu mang nét đẹp dân dã tràn đầy tính nhân văn, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng truyền thống. Chùa Ha có 28 cột đá, tiêu biểu là 2 cột đá hình lục lăng cao 1,6m, trên 6 mặt cột đá khắc chữ Hán niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716) ghi sự tích chùa và tên những người làm công đức tôn tạo chùa. Nét khắc sâu tinh tế thể hiện nghệ thuật điêu khắc đá đạt tới trình độ cao. Ngoài cột đá và tượng cổ, chùa Ha còn lưu giữ được nhiều hiện vật khá phong phú như: 2 bài biểu, 1 bức hoành phi có trạm khắc các đề tài tứ linh và tứ quý niên hiệu Thành Thái thứ 1 (1889), 6 bộ câu đối cổ nội dung ca ngợi cổ tích Bà Ha tự niên hiệu Thành Thái thứ 1 và Thành Thái thứ 3 (1891), 15 bát hương cổ được trang trí các đề tài tứ linh và lưỡng long chầu nguyệt, 3 mâm bồng và nhiều các đồ thờ khác.

giảng dg
Nơi tổ chức giảng đạo, giảng kinh pháp…tại chùa Ha. Ảnh: Nam Đan

Chùa hiện duy trì thờ vọng vào ngày sóc, ngày vọng tức ngày 1 và ngày rằm hàng tháng. Lễ chính của chùa được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, Lễ Thiên Quang Tích Phúc để cầu trời ban phúc lành. Lễ Phật đản tổ chức vào 15/4, Lễ Địa quan xá tội được tổ chức vào 15/7.

 Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ha được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2004. Mỗi dịp tết đến xuân về, chùa Ha cùng với một số di tích của huyện Phú Bình như: Cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối, đình Phương Độ, Đình Hộ Lệnh, cụm di tích xã Kha Sơn...trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến hưởng thụ văn hóa và du khảo tâm linh./.

                                               Tác giả: Thanh Ngân