CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Địa chỉ tin cậy để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Địa chỉ tin cậy để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo.
Nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, bên sông Cầu thơ mộng, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, điểm đến du lịch hấp dẫn, một địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Thái Nguyên.

 

Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống

Được thành lập năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc, nơi lưu giữ lịch sử thiêng liêng của một thời chiến khu Việt Bắc anh hùng. Năm 1976, bảo tàng trở thành ngôi nhà chung lưu giữ và tòa sáng văn hóa 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước và chính thức đổi tên là Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 1990.

                                Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ảnh: Vi Biên
Tự hào là 1 trong 5 bảo tàng quốc gia, được thiết kế bởi cố kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên về kiến trúc. Trên diện tích 40.000 m2, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện đã hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà và không gian văn hóa trải nghiệm ngoài trời với gần 50.000 tài liệu hiện vật gốc có giá trị là minh chứng cho câu chuyện về lịch sử, văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tất cả đã tạo nên một tổng thể thống nhất, hấp dẫn du khách tìm tòi, khám phá.

Hệ thống trưng bày trong nhà của Bảo tàng được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hóa 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú,  thông qua những hình ảnh trực quan gần gũi. Đó là sự kết hợp giữa tĩnh và động, giữa quá khứ và hiện đại.

                              Du khách thăm quan phiên chợ vùng cao, ảnh: Minh Đỗ

Ấn tượng đầu tiên trong hành trình thăm quan Bảo tàng là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trên tay người ôm ba em bé, thể hiện tình yêu thương vô bờ bến với các cháu thiếu nhi ba miền Bắc - Trung - Nam, đồng thời khẳng định chính sách thống nhất, đa dạng và đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Bước vào các phòng trưng bày trong Bảo tàng, du khách sẽ trải qua hành trình qua các miền văn hóa từ Bắc vào  Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, biển đảo. Đó là hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình… của các dân tộc Việt, Mường, Thổ Chứt; là thửa ruộng bậc thang, men theo các dòng suối, làm nên các bản làng với vài chục nóc nhà của các dân tộc vùng thung lũng cư trú ở các tỉnh, vùng Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam; là xiêm y rực rỡ, là chợ phiên đông vui của các dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, Cờ Lao... ở vùng núi cao phía Bắc, thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái … Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me với mầu đất đỏ bazan làm chủ đạo và hình ảnh nhà Rông làm biểu tượng; các dân tộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo với hình ảnh nhà dài và dấu ấn mẫu hệ đậm nét  tạo ra chất văn hóa rất riêng cho các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chăm, Chu Ru...

                                 Tái hiện nét văn hóa tại Bảo tàng, ảnh: Minh Đỗ
Qua các gian trưng bày, du khách có thể cảm nhận những hoạt động văn hóa đặc trưng và đa dạng, những sinh hoạt đời thường mộc mạc, giản đơn đã có tự ngàn đời, được tích tụ, bồi đắp trong dòng chảy văn hóa theo thời gian và không gian.

Địa chỉ tin cậy để trải nghiệm và sáng tạo

Từ năm 2010, Bảo tàng đã mở ra hệ thống trưng bày ngoài trời với 6 vùng văn hóa bao gồm: vùng núi cao phía Bắc, thung lũng, đồng bằng trung du Bắc bộ, miền Trung - ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Mỗi không gian đều có một điểm nhấn sinh động nhằm gắn kết hoạt động trưng bày với trải nghiệm.

                  Trải nghiệm nấu bếp Hoàng Cầm của các em học sinh, ảnh: Minh Đỗ

Bên cạnh trưng bày các hiện vật gốc tĩnh, Bảo tàng tăng cường hỗ trợ trưng bày bằng các hoạt động văn hóa, mang tính động đó là trình diễn văn hóa phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em như: múa xòe, múa sạp, Lăm Vông, Tắc Xình, múa Chăm, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, cồng chiêng Mường, cồng chiêng Thái, ngũ âm Khơmer… tạo nên sự sinh động trong việc tái hiện những nét văn hóa riêng của người Việt Nam.

Những năm gần đây, với sự đổi mới nỗ lực không ngừng, Bảo tàng ngày càng mở rộng hoạt động bằng các nội dung chuyên đề mới, gắn liền với văn hóa của từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể như:  nông dân, thợ thủ công, nghệ sĩ, nhà kinh tế, bộ đội, nhà khoa học, nhà sử học... để đem đến cho du khách những hiểu biết đa chiều, đa dạng về văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn thường xuyên mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng ASEAN qua nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, trưng bày triển lãm...

                                               Trình diễn văn nghệ đón khách, ảnh: Minh Đỗ
Chính sự kết hợp giữa tĩnh và động, giữa truyền thống với đương đại, quá khứ và tương lai đã làm nên một Bảo tàng gắn kết với đời sống, để ai đến trải nghiệm một lần cũng mong được trở lại. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ tin cậy để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo với mối du khách khi đến với du lịch Thái Nguyên.

Hải Đăng