CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Bánh chưng Bờ Đậu – sản vật nức tiếng của quê hương Thái Nguyên

Bánh chưng Bờ Đậu – sản vật nức tiếng của quê hương Thái Nguyên
Thái Nguyên không chỉ là vùng đất nổi tiếng với đặc sản chè Tân Cương thơm ngon, vị chát và đậm hậu mà vùng đất ấy còn có một sản vật nức tiếng cả nước đó là bánh chưng Bờ Đậu.

 Làng nghề bánh chưng “Bờ Đậu” thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang – Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái….

01
Cửa ngõ làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Ảnh: Đoàn Chiên

Đến Bờ Đậu vào những ngày này có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần. Trong từng hộ gia đình, già trẻ gái trai đều được phân công làm bánh để cho phục vụ những nồi bánh chưng dã chiến đáp ứng nhu cầu trong những ngày tết. Nhà nào cũng tất bật gói bánh, từng nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà, như níu giữ lòng người ở lại mỗi khi ngang qua.

1 032
Người dân chuẩn bị rất nhiều lá dong để gói bánh. Ảnh: Đoàn Chiên

Có dịp tìm hiểu chúng tôi được biết, khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100% người dân đều gói thủ công bằng tay. Mặc dù gói bằng tay, nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của những người thợ, từng chiếc bánh vẫn vuông thành sắc cạnh. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng bánh chưng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được. Người dân ở đây cho hay, việc gói bằng tay sẽ có thể điều chỉnh cho chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau, khi cho vào luộc không hề bị méo mó, căng phồng chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh.

Để có được những chiếc bánh chưng thơm ngon nức tiếng thì khâu chọn nguyên liệu và sơ chế nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Gạo nếp để gói bánh được mua ở vùng núi rừng Định Hóa, hạt gạo mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Đỗ xanh được đãi sạch và đồ chín sau đó chia thành từng phần nhỏ cho từng chiếc bánh. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng ở đây được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Nhờ có nước “giếng thần” trời ban nên khi luộc bánh giữ nguyên được màu xanh lá cây tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh.

1 012
Những chiếc bánh chưng Bờ Đậu nóng hổi, thơm ngon
luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Đoàn Chiên

Làng nghề  bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp tết. Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam Bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau. Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 20.000 đồng/1 chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 30.000 – 40.000 đồng/1 chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày tết có giá 50.000 đồng/1 chiếc.

Theo anh Chu Thanh Bằng chủ cơ sở bánh chưng Bằng Cúc, ở xóm Cổ Lũng cho biết, trung bình hàng ngày gia đình anh xuất ra ngoài thị trường khoảng 150 - 200 chiếc. Với ngày Tết, nhu cầu lên tới 1000 - 2000 chiếc/ngày.  Những ngày này, anh phải thuê thêm người làm mới có thể đáp ứng được lượng bánh cung cấp ra thị trường phục vụ nhân dân và du khách trong dịp tết Canh Tý 2020.

Tiếng thơm của bánh chưng Bờ Đậu đã lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Những ngày cận tết này, du khách từ khắp các tỉnh tìm về đây để đặt bánh làm quà biếu, tặng như một sản vật nức tiếng của quê hương.

                               Tác giả: Nguyễn Minh