CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ MÚA TẮC XÌNH Ở HUYỆN PHÚ LƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ MÚA TẮC XÌNH Ở HUYỆN PHÚ LƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN.
Dân tộc Sán Chay di cư vào phía Bắc Đại Việt cách ngày nay khoảng trên 900 năm. Họ định cư chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Thái Nguyên...

Ở Thái Nguyên, người Sán Chay có số dân chiếm 2,8% số dân của tỉnh, xếp thứ 5 sau các dân tộc Kinh (88,1%), Tày (10.2%), Nùng (5,2%) và Sán Dìu.  Cũng như cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam, người Sán Chay ở Phú Lương chiếm 9,7% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu ở 12 xã, thị trấn, trong đó các xã: Phú Đô, Yên Lạc, Tức Tranh, Phấn Mễ, Yên Ninh, Yên Đổ là những địa phương có đông  người Sán Chay sinh sống.

           Người Sán Chay ở Phú Lương được phân chia thành 2 nhóm: Nhóm Cao Lan sử dụng ngôn ngữ Tày – Thái, chủ yếu ở các xã Yên Đổ, Yên Trạch, Phấn Mễ; nhóm Sán Chí sử dụng ngôn ngữ Hán - Tạng, nhóm này chiếm đông và tập trung ở các xã: Phú Đô, Tức Tranh, Yên Lạc. Người Sán Chay có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú và đa dạng. Bên cạnh những lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội cầu mùa, còn có các vũ điệu như xúc tép, múa chim gâu và kho tàng truyện cổ tích, thơ, ca, hò, vè phản ánh các đề tài đấu tranh với thiên tai, địch họa, phản ánh lao động sản xuất và quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, thể hiện ước vọng trong tình yêu, ước vọng chinh phục thiên nhiên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp.

          Đặc biệt người Sán Chay ở Phú Lương vẫn lưu truyền được thể loại dân vũ đó là Múa Tắc Xình hay còn gọi là Múa cầu mùa của người Sán Chay như một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng.

1
Biểu diễn múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Vũ điệu Tắc Xình, đó là nội dung không thể thiếu, đồng thời cũng là nét đặc trưng văn hóa hấp dẫn nhất trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay ở  huyện Phú Lương. Lễ hội cầu mùa là hoạt động tín ngưỡng tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, và cầu khẩn sự che chở trong vụ tiếp theo. Cứ mỗi độ xuân về, khi các dân tộc tưng bừng mở hội cũng là lúc người Sán Chay bước vào lễ hội cầu mùa. Điệu nhảy Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

          Động tác múa và âm nhạc cho múa Tắc Xình đơn giản, dễ thực hành, nên đã được cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương từ đời này qua đời khác truyền dạy lại trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc của huyện Phú Lương. Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc Xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

    Theo những tư liệu nghiên cứu được thì điệu múa Tắc Xình là điệu múa sinh hoạt dân gian có từ rất lâu đời và được thể hiện bằng các động tác trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày như: Phát rẫy, tra hạt, đuổi thú, phát nương.... Nhạc cụ phục vụ múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và một số nhạc cụ khác bổ trợ. Tất cả các nhạc cụ phục vụ âm nhạc cho điệu múa đều phù hợp trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay. Ngoài ra, điệu múa Tắc Xình còn có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại, với ngôn ngữ múa lại dễ hiểu, dễ học và người học cũng dễ nhớ.

    Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương có 2 kiểu múa đó là kiểu múa dương và kiểu âm. Kiểu múa dương là múa cho người dương xem như mừng ngày xuân, ngày hội mà hàng năm vẫn được bà con tổ chức (thay cho điều ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thường được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm), còn kiểu múa âm thì không sử dụng đến. Là một điệu múa tập thể, đơn giản nhưng rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Sán Chay. Múa Tắc Xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ trên thân ống tre. Còn âm “xình” là âm phát ra từ ống tre gõ xuống đất. Các âm “tắc“, “xình“ phát ra theo một trật tự nhất định để kết thành một giai điệu rất riêng không thể lẫn với dân tộc khác: Tắc- Tắc- Xình,Tắc- Xình, Tắc- Tắc – Tắc - Xình. 

Múa Tắc Xình là biến âm của tắc xịch, tức là được ăn. Vũ điệu Tắc Xình thể hiện tín ngưỡng phồn thực, xuất phát từ triết lý âm dương gắn với nền sản xuất nông nghiệp. Đây là nghi thức trình diễn quan trọng của lễ hội Cầu mùa người Sán Chay được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng 2 Âm lịch hàng năm, để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

          Múa Tắc Xình cầu mùa có 10 động tác mô phỏng hoạt động phát rẫy làm nương của người Sán Chí gồm: Thăm đường, dọn đường, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Đó là một vũ điệu cực kỳ đặc sắc và giàu ý nghĩa nhân sinh, các động tác nhịp nhàng theo tiếng nhạc, điệu múa Tắc Xình cũng chịu ảnh hưởng bởi tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ của dân tộc Sán chay. Ngọn tre và các dụng cụ gõ biểu trưng cho cầu nối giữa đất trời và quan niệm của người dân nơi đây, khí âm dương hòa quyện sẽ sinh sôi nảy nở, tạo ra sự sống cho muôn loài.

2
Múa Tắc Xình mang nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay
tại Phú Lương.

Tuy nhiên  trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, Di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình đang dần bị mai một và biến đổi dưới nhiều sự tác động khác nhau. Một là do các thế hệ cha anh lớp trước ít truyền dậy cho lớp sau do đó bị thất truyền; hai là do điều kiện sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư chưa được đầu tư đúng mức; ba là lớp trẻ hiện nay rất ít quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể do bị chi phối của các trò chơi giải trí, các thể loại âm nhạc, múa, trò chơi hiện đại sẵn có trên mạng Internet và các phương tiện truyền thông... Những yếu tố đó đang làm cho di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình dần bị phai nhạt. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ở đất nước ta trong đó có múa Tắc Xình hiện nay là một việc làm cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

    Tại huyện Phú Lương, múa Tắc Xình hay các làn điệu dân ca trong Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay là những giá trị văn hoá độc đáo, đáng trân trọng có sức sống lâu dài trong tâm trí người dân nơi đây. Đến nay, múa Tắc Xình của bà con dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Chúng ta cần chú trọng định hướng việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và thêm khẳng định giá trị một điệu múa độc đáo của dân tộc mang nhiều giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ mai sau.

Bài và ảnh:  Hoàng Hương