CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


BẢO TỒN HÁT THEN ĐÀN TÍNH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH ATK ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN

BẢO TỒN HÁT THEN ĐÀN TÍNH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH ATK ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN
Ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển, hát Then đàn tính như những bông hoa rừng mang hương thơm lan tỏa những giá trị văn hóa ra cộng đồng các dân tộc Việt Nam và phần nào đến với bạn bè quốc tế. Khó có thể đi tìm nguồn cội nguyên thủy của Then, nhưng trong nét tương đồng từ ngàn xưa truyền lại thì người Tày, Nùng, Giáy… đã mang theo văn hóa của mình đi vào cuộc sống đậm đà bản sắc miền sơn cước.

 

 Trong vùng ATK Định Hóa, Thái Nguyên thì tộc người Tày và người Nùng chiếm tới 65% dân số. Tại hầu hết 24 xã, thị trấn đều có các tộc Tày, Nùng định cư, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng.

Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, tức là “ Trời”, cũng được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, Then được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn...Đồng bào Tày quan niệm, những điệu Then giúp con người gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Thông qua những lời ca, tiếng hát, những điệu Then, âm hưởng của đàn tính mà người ta cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà bình an, yên vui, hạnh phúc…

 Đi đôi với điệu Then da diết, ngọt ngào thì bao giờ cũng phải có cây đàn tính, người Tày gọi nó là cái đàn Trời. Then là điệu hát của trời, cây đàn tính được trời ban cho người làm Then, là cầu nối giữa thế giới tâm linh và đời thực, giữa cõi trời và hạ giới nên người làm Then phải am hiểu về phong tục tập quán. Các ông Then, bà Then luôn coi trọng việc kế thừa truyền thống của gia đình, truyền thống dân tộc và bảo vệ Then theo cách riêng của mình nhưng không làm mất đi giá trị và nét chung của Then.

Làn điệu Then bao giờ cũng tồn tại theo hai dòng: Then văn và Then võ. Then văn thường thiên về kể lể trong lời ca và người làm Then không rung chân “xóc” nhạc. Còn Then võ lại có giai điệu rõ ràng, mạnh mẽ, sôi nổi và người làm Then rung chân để “xóc” nhạc. Âm nhạc trong Then rất phong phú và mang tính trữ tình, sâu lắng của những lời tự sự về thiên nhiên, về con người, cuộc sống và kết hợp với múa Then nhịp nhàng, sinh động, chủ yếu dưới ba hình thức: Múa chầu, múa sluoong, múa nghi lễ.

 Trên phương diện văn học, Then được xem như những bản trường ca về nghệ thuật biểu diễn văn hóa dân tộc, với các đoạn, chương móc xích với nhau logic từ đầu đến cuối. Then mang tính huyền thoại gắn với những sự tích để răn dạy con cháu ăn ở có hiếu, có đức, như sự tích: Con ve sầu, Mụ yêu tinh (Dà Dỉn), Núi hoa, Núi tuyết…

 Về nghệ thuật, đó là sự phong phú về cách trang trí bàn lễ, đồ lễ, kim ngân…nhất là thể hiện trên chiếc mũ Then- trên đó là sự miêu tả cuộc sống nơi thiên đình, với rồng cuộn mây bay, hạc vàng óng ánh…

 Hát Then đàn tính luôn gắn bó, hòa quện vào nhau không thể tách rời. Theo truyền thuyết của đồng bào Nùng ở đây thì đàn tính trước đây có mười hai dây, khi âm hưởng cất lên sẽ khiến con người và vạn vật say mê, làm đảo lộn đất trời. Cũng vì mải mê nghe tiếng đàn tính mà các thần tiên quên mất nhiệm vụ, vì thế Ngọc Hoàng đã tước bỏ mười dây của đàn, chỉ còn lại hai dây như bây giờ, nhưng tiếng đàn vẫn luôn da diết, nhẹ nhàng. Tiếng đàn ngân lên hòa quện với lời hát làm say đắm lòng người, cỏ cây, hoa lá. Điệu Then, đàn tính luôn phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính và càng được nâng lên tầm nghệ thuật thông qua các nghi lễ tín ngưỡng, văn nghệ quần chúng của đồng bào để cầu mong cho sự bình yên, no ấm, hạnh phúc của cộng đồng và mỗi con người.

Then vùng Định Hóa là sự kế thừa truyền thống văn hóa tộc người và dung hòa với điều kiện sống trong một môi trường đa dạng về văn hóa, nên có thể nói, nơi đây vốn sớm là vùng đất của Then. Điều này được minh chứng qua việc hiện nay, trong bản, trong làng, các cụ già cao tuổi, những nghệ nhân vẫn tự trồng bầu lấy quả làm đàn tính. Những nghệ nhân vùng ATK Định Hóa thể hiện các loại hình nghệ thuật dân gian phong phú và đa dạng kết hợp giữa Then cổ và Then hiện đại, như biểu hiện qua các loại hình diễn xướng và cả độc diễn. Từ loại hình đạo cụ, trang phục truyền thống….được tái hiện giữa không gian và sắc thái của Then. Vì vậy nghiễm nhiên mỗi độ tết đến, xuân về, hoa đào đua sắc, Then được đặt trong một không gian trang nghiêm của các buổi lễ trọng đại, như: Lễ Xuống đồng đầu năm và bao giờ Then cũng được thể hiện trong màn khai hội giữa trung tâm ATK Định Hóa.

 Biểu diến hát then trong chương trình giao lưu văn nghệ với khách du lịch tại Ban quản lý Khu di tích ATK Định Hóa, ảnh: Minh Đỗ

Khi hát Then đàn tính cất lên, người nghe như cảm thấy có một chút làn điệu Then của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và cả Then mới…Phải chăng đây là những lý do làm các nhà nghiên cứu (loại hình văn hóa này) khó nhận diện được nét đặc trưng riêng của từng vùng, từng miền. Dẫu vậy, vẫn có thể nói rằng, hát Then ở Định Hóa có một nét rất riêng, được chính những người Tày, người Nùng tiếp nối dòng chảy của văn hóa phía Bắc nói chung và văn hóa Đông Bắc nói riêng góp phần tạo nên sắc thái văn hóa đượm chất chiến khu, có sự đan xen, giao thoa nên nó sống mãi trong lòng người dân nơi đây.

 Kết hợp giữa việc bảo tồn hát Then, đàn tính gắn với du lịch về nguồn ATK Định Hóa - một điểm về cội nguồn được du khách trong nước và bè bạn quốc tế đón nhận như một trải nghiệm văn hóa tinh thần tại bản địa. Song, sự gắn kết các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn chưa tương xứng, chủ yếu còn dừng lại ở các hoạt động tham quan di tích, nghiên cứu khoa học, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động biểu diễn. Để gìn giữ và bảo vệ những nét văn hóa truyền thống hát Then đàn tính mang đậm bản sắc văn hóa của người Định Hóa, rất cần bảo vệ sức sống của Then trong sự đồng hành với phát triển du lịch.

 Hát Then đàn tính ATK Định Hóa đã được các cấp, các ngành và nghệ nhân, hội viên quan tâm gìn giữ và phát huy. Nhiều chương trình biểu diễn giao lưu được du khách cổ vũ, đón nhận, mở ra một sắc thái mới trong lĩnh vực du lịch Thái Nguyên hướng về cội nguồn cách mạng để thấy hết được tình đất tình người chiến khu xưa.

 Hiện nay, huyện Định Hóa đã thành lập Câu lạc bộ dân ca dân tộc, trong đó có một không gian cho những người yêu thích hát Then đàn tính, Sli, Lượn…đặc biệt, luôn trình diễn tại lễ hội Lồng Tồng đầu xuân mới, Khu di tích lịch sử nơi có đền thờ Bác Hồ…

 Ảnh: Quang Minh

Để bảo vệ và phát huy giá trị của Then, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên rất chú trọng đầu tư thành lập Câu lạc bộ Dân ca của các tộc người. Trong đó loài hình hát Then đàn tính đã đứng vững được tại các “sân chơi” văn hóa bổ ích với cuộc sống cộng đồng. Các tổ, đội văn nghệ dân gian của ATK, đội văn nghệ Tỉn Keo (xã Phú Đình), Khau Diều (xã Điềm Mặc), Làng Chủng, Đồng Mon (xã Trung Hội), Nà Lọm (Phúc Chu), Câu lạc bộ dân ca dân vũ xã (Bảo Linh)…đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo vệ và phát huy các làn điệu hát Then đàn tính ở địa phương.

 Việc bảo tồn Then gắn với phát triển du lịch ATK Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Phục vụ tham quan, du lịch theo yêu cầu, dưới mô hình sân khấu, ngoài trời, phòng chờ… Chúng rất dễ bị tác động của nền kinh tế thị trường, sự biến đổi của không gian và thời gian. Điều này đã làm cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình hát Then đàn tính gặp rất nhiều khó khăn, nên cần được quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành, nhất là các ngành chức năng tại địa phương và ý thức của người dân cùng chung tay gìn giữ.

 Biểu diễn hát then, đàn tính phục vụ khách thăm quan tại Khu du lịch sinh thái Thái Hải, ảnh: Nguyễn Minh

Có thể nói, Then đã có sức sống vượt thời gian và không gian. Như vậy, sức sống và nét tinh hoa độc đáo của Then cần được tô thắm trong bức tranh tổng thể về di sản dân tộc đang và rất cần được lan tỏa sức sống để động viên, cổ vũ, góp phần soi sáng trên bước đường du lịch miền di sản cách mạng hội nhập và phát triển.

            

Tác giả bài viết: Lý Thị Chiên