Sli – Dân ca đặc sắc của người Nùng ở Thái Nguyên
- Thứ năm - 30/11/2017 12:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với lối hát giao duyên, lời đầu mỗi câu hát của bên nam hoặc bên nữ thường là chữ Nhèe à nên người ta còn gọi hát Sli là Nhea Soonghao. Sli có sự tổng hòa của các yếu tố: Người hát, làn điệu (âm nhạc), lời ca (văn học), môi trường diễn xướng (không gian, thời gian, thính giả). Điều đặc biệt trong hát Sli là kỹ thuật hát bè.
Sli truyền thống thường hát ngắt 2 câu gồm 14 âm, chia thành 3 giọng – cao độ giữa các âm không chênh nhau nhiều. Hát Sli trong những đêm trăng ở xóm bản hay khi đi làm đồng, đi lấy củi..., nghĩa là không chuẩn bị trước, không có nghi thức tổ chức, diễn ra giữa các cặp hát (đối – đáp) lẻ tẻ thì lời của câu hát thường đơn sơ, mộc mạc.
Hát Sli
Diễn xướng Sli (có tổ chức) phải theo nghi thức nhất định. Thường vào dịp sau mùa gặt, tết đến, xuân về , tốp trai (hoặc gái) của bản này sang hát với tốp trai (hoặc gái) của bản kia. Cuộc hát phải theo trình tự : Đầu tiên, hát những bài đánh tiếng ướm hỏi xem người bên kia có đồng ý hát cùng họ không (Sli Khấy Pác). Nếu đồng ý thì hát các bài thăm hỏi (Sli Khẩu), chúc mừng (Sli cống hỉ). Sau đó mới tới những bài Sli đối đáp trữ tình là những bài hát tự ứng tác và cả những bài truyền thống như: Khẩy pác tò mẩu (cất tiếng hát buổi sáng), Cáy khẩu (Gà gáy), Tô mạng (chặt cây), Pảo ca ( Chúc khang sinh phú quý). Cuối cùng là những bài hát chia tay.
Hiện nay, do sống chung với đồng bào các dân tộc anh em, người Nùng Thái Nguyên tiếp nhận thêm nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác nhưng dân ca trữ tình Sli vẫn luôn được bảo tồn và phát huy.
Hải Đăng